Tận dụng lợi suất đang giảm mạnh hiếm hoi trong năm nay, doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu đã phát hành trái phiếu cấp đầu tư và hạng rác (dưới mức đầu tư) trị giá 246 tỉ đô la Mỹ chỉ trong tháng 11. Con số này cao hơn 57% so với tổng số trái phiếu mà họ phát hành trong tháng 10 và cao hơn 16 tỉ đô la so với con số trung bình trong 10 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG).
Làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở hai bên bờ Đại Tây Dương vẫn tiếp tục diễn ra trong tuần này, với những công ty được đánh giá cao của Mỹ gồm công ty cho vay mua ô tô General Motors Financial, nhà sản xuất phốt phát Mosaic và nhà cung cấp hạ tầng viễn thông Crown Castle.
Những bên vay tiền có mức xếp hạng tín dụng thấp như công ty vận hành đường ống dẫn khí Kinetic Holdings, hãng cho vay mua ô tô Credit Acceptance và công ty cho vay thế chấp nhà PennyMac Financial Services nằm trong số những doanh nghiệp tiến hành các đợt phát hành trái phiếu trong những ngày gần đây.
Doanh nghiệp Âu, Mỹ tăng tốc phát hành trái phiếu sau khi chứng kiến tâm lý nhà đầu tư thay đổi nhanh chóng trong vài tuần qua. Thị trường bắt đầu định giá trái phiếu doanh nghiệp dựa trên triển vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ và châu Âu trong nửa đầu năm tới. Gần đây nhất, vào tháng 10, lo ngại về lãi suất cao trong thời gian dài khiến nhiều công ty phải tạm dừng kế hoạch vay vốn.
“Chắc chắn có một làn sóng nguồn cung trái phiếu đổ vào thị trường trước cuối năm”, Maureen O’Connor, người đứng đầu toàn cầu ở bộ phận nợ cao cấp của ngân hàng Wells Fargo, nói và cho biết thêm các điều kiện thị trường cải thiện rất nhiều so với thời điểm tháng 10.
Trong tháng 11, một chỉ số của Bloomberg theo dõi trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp ở Mỹ ghi nhận hiệu suất tăng giá hàng tháng tốt nhất trong gần 4 thập niên, khi dữ liệu lạm phát và việc làm giảm nhẹ hơn dự báo, làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau mùa xuân năm 2024.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn di chuyển ngược chiều với giá cả, giảm mạnh, đồng nghĩa với chi phí đi vay của các công ty thấp hơn.
Theo dữ liệu từ Ice BofA, lợi suất trung bình của các tổ chức phát hành trái phiếu cấp cao của Mỹ hiện ở mức 5,52%, mức thấp nhất kể từ tháng 7. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu rác hiện ở mức dưới 8,4%, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 7.
Mark Lynagh, người đứng đầu bộ phận tài chính cấp đầu tư toàn cầu tại BNP Paribas, cho biết đây là thời điểm tốt nhất trong năm để các công ty phát hành trái phiếu.
Khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, mức chênh lệch đối với lợi suất mà doanh nghiệp phải trả để phát hành nợ cũng giảm nhanh chóng do khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư tăng lên.
Richard Zogheb, người đứng đầu toàn cầu về thị trường vốn nợ của Ngân hàng Citigroup, cho biết một phần của việc tăng lượng phát hành trái phiếu gần đây phản ánh “khối lượng bị dồn nén” từ các giao dịch đã dự kiến vào tháng 10 và đầu tháng 11 nhưng chưa thực hiện được.
Đề cập đến các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine, ông lưu ý rằng thế giới vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn.
Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tái cấp vốn trong những năm. Chẳng hạn, các công ty Mỹ được xếp hạng đầu tư có lượng trái phiếu kỷ lục 1,26 nghìn tỉ đô la đáo hạn trong 5 năm tới, tăng 12% so với năm trước, theo hãng xếp hạng tín dụng Moody’s. Nợ hạng rác của các công ty Mỹ sẽ đáo hạn với trị giá 1,87 nghìn tỉ đô la trong cùng khoảng thời gian, cũng là một kỷ lục.
Một số chuyên gia cho rằng việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu cũng có thể phản ánh mối lo ngại rằng dữ liệu bất ngờ hoặc những diễn biến khác, ví dụ, báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo, có thể khiến lợi suất trái phiếu đảo chiều bất lợi.
“Vì vậy, một số công ty nghĩ rằng vì sao không phát hành trái phiếu bây giờ và ít nhất giảm thiểu rủi ro cho một phần nhu cầu vốn, nếu không phải là tất cả?”, O’Connor của Wells Fargo, nói.
Richard Zogheb của Citigroup nhận định thị trường trái phiếu có thể sẽ ổn định cho đến Giáng sinh. “Các nhà đầu tư tin rằng lạm phát đang được kiểm soát và nền kinh tế Mỹ đang hướng đến cú hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng không ai biết chắc chắn và mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng”, ông nói.
Theo Financial Times, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn