HoSE cho biết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ sau thuế của công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa có thông báo gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu doanh nghiệp này.
Cụ thể, HoSE cho biết đầu tháng 6, cơ quan này đã có quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines do vốn chủ sở hữu hãng hàng không này đã âm 2.160 tỉ đồng. Bên cạnh đó, căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2022 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán hai năm gần nhất (2020-2021) cũng báo số âm.
Vì vậy, cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của HoSE.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines tiếp tục báo số âm 5.167,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30-6 âm 28.904,2 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 4.897,4 tỉ đồng.
Theo quy định tại Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do đó, HoSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu bị âm. Nguy cơ bị hủy niêm yết của Vietnam Airlines là khá lớn. Bởi trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 45.252 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu tăng nhưng công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỉ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 9.335 tỉ đồng. Kế hoạch kinh doanh lỗ được xây dựng trên cơ sở năm nay hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.
Trước đó, bên kiểm toán cũng cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.
Trên thị trường, cổ phiếu HVN sau giai đoạn ngắn phục hồi từ giữa tháng 6 đến nay đã đảo chiều suy giảm. Tính trong một tuần gần nhất, thị giá cổ phiếu này đã giảm gần 6%, hiện giao dịch ở mức 16.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá HVN cũng đã giảm hơn 30%.
Trong năm nay, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại ngày 30-6, tổng hạn mức tín dụng mà Vietnam Airlines đã ký với các ngân hàng thương mại là khoảng 18.549 tỉ đồng, trong đó hạn mức tín dụng của các khoản vay ngắn hạn chưa sử dụng là khoảng 10.354 tỉ đồng.
Tổng Công ty cũng đã tìm kiếm các nguồn thu khác bao gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính. Đến ngày lập báo cáo soát xét 30-8, Vietnam Airlines đã thanh lý một tàu bay, bán quyền mua và thuê lại một động cơ tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) và đã thu được một phần giá trị hợp đồng với số tiền khoảng 861 tỉ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp cũng chuẩn bị các điều kiện để phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Theo Kinh tế Sài Gòn online (The Saigon Times)