Mặc dù nhu cầu hạt điều của thị trường châu Âu vẫn còn rất lớn, nhưng các doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng để giữ vững vị thế.
Theo Tridge, châu Âu là khu vực nhập khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% giá trị nhập khẩu hạt điều toàn cầu. Con số này cao hơn 28,5% thị phần của Hoa Kỳ. Khối lượng nhập khẩu hạt điều của châu Âu tăng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 6%.
Tiềm năng thị trường còn lớn
Do châu Âu có sản lượng điều rất thấp nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Nhập khẩu hạt điều của châu Âu tập trung vào hai nhà nhập khẩu lớn là Hà Lan và Đức, chiếm 60% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu. Trong đó, Đức là nước nhập khẩu hạt điều lớn nhất châu Âu. Tổng khối lượng nhập khẩu của Đức gần 60.000 tấn vào năm 2022. Khối lượng nhập khẩu của Đức tăng 5,9% trong giai đoạn 2018-2022. Đức cũng là một quốc gia trung chuyển lớn đối với hạt điều nhập khẩu. Khoảng 38% tổng số hạt điều nhập khẩu được tái xuất từ Đức hàng năm, chủ yếu (99%) được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu khác.
Hà Lan là nước nhập khẩu hạt điều lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Đức vào năm 2022. Trong 5 năm qua, lượng hạt điều nhập khẩu của Hà Lan đã tăng trưởng ổn định, mặc dù đã giảm hơn 5.000 tấn xuống còn 57.587 tấn vào năm 2022. Khối lượng nhập khẩu hạt điều vào quốc gia này đạt đỉnh 63.000 tấn vào năm 2021, tương đương 376 triệu euro.
Hà Lan đóng vai trò quan trọng như một trung tâm thương mại ở châu Âu, vì hầu hết hạt điều nhập khẩu được tái xuất sang các nước châu Âu khác. Đức là điểm đến hàng đầu của Hà Lan tái xuất hạt điều, vì nước này hấp thụ khoảng 15.000 tấn mỗi năm. Một điểm đến lớn khác cho việc tái xuất hạt điều của Hà Lan là Pháp, nơi đã nhập khẩu hơn 4.600 tấn vào năm 2022.
Đặc biệt, các nước đang phát triển hiện chiếm khoảng 74% tổng lượng hạt điều nhập khẩu của các nước châu Âu. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều quan trọng nhất cho Liên minh châu Âu (EU), kế tiếp là Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia dự báo, trong 5 năm tới, thị trường hạt điều của châu Âu có khả năng tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 5 – 6% do người tiêu dùng châu Âu ngày càng nhận thức được lợi ích sức khỏe của các loại hạt, đặc biệt là hạt điều.
Tuy nhiên, giá hạt điều tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của người tiêu dùng châu Âu, vì họ có thể tìm thấy các lựa chọn thay thế rẻ hơn hạt điều.
Lưu ý với các doanh nghiệp
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều khối lớn nhất cho EU trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt xấp xỉ 35.390 tấn, trị giá 182,77 triệu euro (tương đương 195,63 triệu USD), tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối chiếm 71,24% tổng lượng và chiếm 70,66% tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với thị phần 69,09% tính theo lượng và 68,19% tính theo kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, hạt điều Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường EU. Thực tế cho thấy, các quốc gia cung cấp điều thô chính đã chuyển sang chế biến hạt điều để xuất khẩu, khiến việc mua điều thô trở nên khó khăn hơn, làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Do đó, ngành điều Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách tập trung chế biến sâu để giữ vững lợi thế cạnh tranh ở thị trường EU.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu điều vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chi phí, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng điều thô.
Đặc biệt, theo bà Salma Seetaroo, Giám đốc điều hành của Cashew Coast, ngành điều cũng phải bắt kịp xu hướng xanh hiện nay để đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của người tiêu dùng châu Âu về trách nhiệm xã hội và môi trường.
Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) vào tháng 5 năm 2023 nhằm giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng xuất nhập khẩu của EU; tăng nhu cầu mua bán sản phẩm hợp pháp, không liên quan gây mất rừng.
“Các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo các quy định về nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Chứng nhận an toàn thực phẩm cùng với các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) có thể mang lại lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển như Việt Nam”, bà Seetaroo cho biết thêm, đồng thời gợi ý các doanh nghiệp có thể hợp tác với các thương nhân châu Âu để cùng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu để chứng minh lợi ích của việc dùng hạt điều.
Bà Seetaro cho biết: “Một thông điệp về sức khỏe rõ ràng và dễ hiểu là rất quan trọng để giúp người tiêu dung châu Âu tăng sử dụng hạt điều trong chế độ ăn uống”.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam