Mới đây, Hội thảo “ChatGPT & Low-Code: Làm chủ công nghệ mới để dẫn đầu cuộc đua” đã được tổ chức bởi FPT Software và đối tác OutSystems – nhà cung cấp giải pháp Low-code hàng đầu thế giới, nhằm mang đến những giải pháp chuyển đổi số tiên tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu cơ hội và tối ưu hoá hoạt động kinh doanh…
Với chuỗi sự kiện tại Hà Nội và Tp.HCM, hội thảo đã mang đến không gian thảo luận về hai giải pháp tiên tiến hiện nay là ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) và Nền tảng Low-code, đồng thời chia sẻ các ứng dụng thực tiễn trong doanh nghiệp của hai công nghệ này.
Theo báo cáo chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp nhà nước, các công ty đang đứng trước hai bài toán cốt lõi xoay quanh việc nâng cao trải nghiệm khách hàng (chiếm 54%) và tối ưu hoá quy trình làm việc (chiếm 39%). Trước thực tế đó, sự ra đời của các công nghệ mới tiên tiến như ChatGPT và Low-code được xem là giải pháp phù hợp, không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện vận hành mà còn thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Là một trong các xu thế công nghệ thu hút sự quan tâm trong những năm trở lại đây, ChatGPT được phát triển dựa trên Trí tuệ Nhân Tạo (Artificial Intelligence) đã cho thấy sự ưu việt với khả năng hiểu và trả lời các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực bằng ngôn ngữ tự nhiên. Với đa dạng các tính năng như trả lời câu hỏi, sáng tạo nội dung, dịch thuật…, ChatGPT được ứng dụng bởi doanh nghiệp thuộc nhiều các lĩnh vực như giáo dục, y tế, lập trình, tiếp thị, tài chính – ngân hàng…
“ChatGPT đang đứng trước một tương lai với nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt vào đầu năm nay khi mô hình GPT4 ra đời, cho thấy bước đi đột phá của công nghệ này với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên vô cùng chính xác, hiểu và tạo ra các văn bản mượt mà như con người. Đây được xem là thời điểm chín muồi khi doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đang áp dụng công nghệ này với đa dạng các ứng dụng như Chatbot, trợ lý ảo… Từ đó thúc đẩy một sân chơi lớn hơn với nhiều tên tuổi hàng đầu như OpenAI, Google, Facebook, Microsoft…” – Tiến sĩ Đào Hữu Hùng – Nhà nghiên cứu AI cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu AI của FPT Software (FPT Software AI Center) cho biết.
Chia sẻ về việc đón đầu công nghệ này, ông Hùng khẳng định FPT Software cũng đã phát triển các ứng dụng AI phục vụ cho những lĩnh vực như công nghệ thông tin, ngân hàng, đồng thời đảm bảo tối đa yếu tố bảo mật và an toàn thông tin liên quan đến phương thức, hoạt động vận hành của khách hàng.
Cùng với ChatGPT là Nền tảng phát triển ứng dụng Low-code năng suất cao (High Performance Low-code Application Development) – Cách thức phát triển phần mềm với năng suất tối ưu, hỗ trợ cho những thay đổi và cải tiến liên tục trên các ứng dụng. Các ứng dụng có thể dễ dàng nâng cấp vì các cấu phần trên nền tảng đều sử dụng dịch vụ Điện toán đám mây (Native Cloud Services) và được kết nối, hỗ trợ bởi AI.
Low-code cũng hữu hiệu trong việc phát triển các ứng dụng đa kênh khi người dùng chỉ cần phát triển một lần, tái sử dụng các cấu phần và triển khai trên web, thiết bị di động, giao diện người dùng thoại (conversational UI) hay Giao diện chương trình ứng dụng (Application Programming Interface). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tối ưu năng suất lao động khi chỉ cần một nhóm duy nhất làm việc trên Nền tảng phát triển ứng dụng Low-code năng suất cao.
OutSystems hiện là nhà cung cấp nền tảng phát triển ứng dụng Low-code năng suất cao hàng đầu thế giới, giúp tạo ra các ứng dụng một cách nhanh chóng và quản lý vòng đời phát triển phần mềm. Nền tảng cho phép các kỹ sư công nghệ xây dựng giao diện người dùng một cách trực quan thông qua kéo và thả các tiện ích, đồng thời kết nối với dữ liệu hiện có hoặc lập mô hình dữ liệu trực tiếp trên nền tảng. Bên cạnh đó, cung cấp các kết nối với Ứng dụng cũ (Legacy Applications) và Phần mềm dưới dạng dịch vụ (Software-as-a-Service) của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp khả năng tạo các ứng dụng đa kênh một cách thuận tiện.
OutSystems đang là giải pháp được hàng nghìn khách hàng toàn cầu thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí… sử dụng. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt công nghệ này như Ngân hàng Phương Đông (OCB) với ứng dụng di động ngân hàng số OCB Omni Corp dành cho doanh nghiệp, hay One Mount Group với ứng dụng di động My One Mount dành cho nhân viên.
Nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt đón đầu công nghệ mới trên hành trình chuyển đổi số, trong buổi hội thảo tổ chức tại Hồ Chí Minh, FPT Software và OutSystems đã ký kết thoả thuận hợp tác. Qua đó, FPT Software sẽ cung cấp dịch vụ trọn gói từ việc phát triển, xây dựng, cài đặt và bảo trì ứng dụng phần mềm trên nền tảng Low-code của OutSystems.
Đại diện FPT Software, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của FPT Software Nguyễn Thị Thùy Dương khẳng định: “OutSystems là đối tác quan trọng của FPT Software trong nhiều dự án quan trọng tại thị trường toàn cầu. Thông qua lần hợp tác này, chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, mang đến một công nghệ tiên tiến và quy trình triển khai bài bản, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí phát triển trên hành trình chuyển đổi số.”
Tham dự buổi lễ ký kết có sự góp mặt của các diễn giả là chuyên gia công nghệ đầu ngành: ông Andri Agustinus – Phó Giám đốc vùng tại OutSystems, Tiến sĩ Đào Hữu Hùng – Nhà nghiên cứu AI cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu AI của FPT Software, và các khách mời ông Đoàn Hải Nam – Giám đốc khối kỹ thuật vận hành tại FPT Telecom International, ông Châu Ngọc Sơn Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ tại OCB Bank và ông Đinh Việt Hưng – Giám đốc khối công nghệ thông tin tại One Mount Group.
FPT Software hiện là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số với nhiều công nghệ đẳng cấp như Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), Điện toán đám mây (Cloud), Block Chain, Internet of Things. Với mạng lưới 66 văn phòng trên toàn thế giới, doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ công nghệ tới hơn 1.000 khách hàng toàn cầu, trong đó có hơn 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500 đang hoạt động trên đa lĩnh vực như hàng không vũ trụ, năng lượng, xe hơi, bán lẻ, tài chính ngân hàng, y tế, thương mại điện tử.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam