rangdong

Ông Nguyễn Đoàn Thăng cùng đội ngũ Rạng Đông đã vượt qua thách thức, liên tục phát triển và vững vàng với hành trình hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam.

Vượt bão kép

Năm 2020, “cơn bão” Covid-19 càn quét khắp thế giới, gây tổn thương cho nền kinh tế, cho hàng loạt doanh nghiệp.

Không chỉ đối mặt với đại dịch, Rạng Đông còn đứng trước bài toán vô cùng hóc búa, đó là làm thế nào để tạo được động lực tăng trưởng mới, mạnh mẽ, đủ sức giúp Công ty bứt phá và phát triển bền vững, thích ứng với sự thay đổi của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, của kinh tế số và sự chuyển dịch hành vi của khách hàng trên toàn cầu.

Nhìn lại quãng thời gian đầy thách thức, ông Nguyễn Đoàn Thăng tự hào bởi Rạng Đông đã hoàn thành các chỉ tiêu của chiến lược 5 năm 2015 – 2020 sớm trước một năm, trong bối cảnh vừa xảy ra sự cố hỏa hoạn vào tháng 8/2019 – một sự cố hy hữu, ngoài ý muốn, gây ra những thiệt hại to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Bốn tháng sau hỏa hoạn, Rạng Đông đã tạo ra doanh thu cao hơn 1,67 lần so với 8 tháng trước đó.

“Trong thời điểm gian nan đó, giữa bộn bề công việc khắc phục sự cố, Ban lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án Chuyển đổi số, chuẩn bị cho chiến lược 5 năm tiếp theo (2020 – 2025). Trước khi ra quyết định, chúng tôi xác định chuyển đổi số có rủi ro, xác suất khoảng 50% không thành công, nhưng vẫn phải quyết tâm làm, nếu không, Công ty sẽ tụt hậu, không theo kịp nền kinh tế số” ông Thăng chia sẻ.

Và cũng với tinh thần quyết tâm đó, Rạng Đông tiếp tục vượt qua “bão Covid-19”. Kết thúc năm 2020, Công ty đón nhận những kết quả khả quan. Doanh thu cả năm 2020 tăng trưởng 15,6% so với năm 2019, riêng quý IV/2020, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ.

Nối dài đà tăng trưởng, trong quý I/2021, doanh thu của Rạng Đông tăng 38,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 70%, nộp ngân sách tăng 78,1%, lợi nhuận tăng 45,7% so với quý I/2020. Đây là những con số đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh “bình thường” mới, khi Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều ngành kinh tế vẫn đang đối mặt khó khăn.

Để có được thành công của ngày hôm nay, Rạng Đông đã trải qua nhiều giai đoạn sóng gió, không chỉ chịu sức ép cạnh tranh từ các đối thủ trên thị trường, mà còn đứng trước nguy cơ bị thâu tóm. Đặc biệt, sau khi cổ phần hóa và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, Rạng Đông nằm trong “tầm ngắm” cho các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) của nhiều tổ chức, quỹ đầu tư, “đại gia” nước ngoài. Nhưng, điều đó đã không xảy ra, bởi Rạng Đông đặc biệt quan tâm tới vai trò làm chủ thực sự của người lao động.

\".\"

Doanh nhân Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Nền tảng con người

“Tại Rạng Đông, người lao động cũng là người sở hữu Công ty. Có những người cống hiến cả đời mình cho Rạng Đông và thấy rằng, mình lựa chọn không sai. Đó là điều vô cùng quý giá”, ông Thăng nói, mắt ánh lên niềm vui…

Đến nay, hầu hết cán bộ, công nhân lao động của Rạng Đông đều có cổ phần trong Công ty. Tập thể người lao động và cá nhân cán bộ, công nhân trong Công ty đang sở hữu trên 51% cổ phiếu RAL của Rạng Đông. Đây là điều kiện cần và đủ để tập thể cán bộ, công nhân viên yên tâm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững.

Quan điểm của ông Thăng và Ban lãnh đạo Rạng Đông là, các khoản lương, thưởng, phúc lợi… cho người lao động không phải chi phí, mà là sự chia sẻ lợi ích, chia sẻ giá trị gia tăng do chính họ tạo ra. Mức thu nhập bình quân của người lao động tại Rạng Đông tăng đều đặn 5 – 6%/năm. Hằng năm, cán bộ, nhân viên trong Công ty được chia cổ tức. Đây là những khoản đầu tư thiết thực cho nhân tố con người.

Đặc biệt, ông Thăng xác định, đội ngũ nhân sự có ý nghĩa quyết định sự thành công của Rạng Đông trên hành trình chuyển đổi số. Bởi vậy, Công ty rất coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ, để họ có đủ khả năng tiếp nhận và làm chủ thành tựu khoa học – công nghệ. Người lao động đáp ứng yêu cầu đều được chuyển sang làm việc trên các dây chuyền sản xuất mới, hiện đại.

Nhiều năm qua, Công ty liên tục phát động phong trào “Thi đua làm theo lời Bác trong mọi công việc thường xuyên, hàng ngày của tất cả mọi người”. Năm 2020, để phát huy tinh thần lao động sáng tạo trong mỗi cán bộ, nhân viên, Rạng Đông tổ chức “Ngày hội sáng tạo Rạng Đông – Techday”. Ngày hội là nền tảng để tiếp nhận và phát triển tri thức, là không gian mở để các ý tưởng sáng tạo được đưa vào cuộc sống, mang lại giá trị cho khách hàng, truyền cảm hứng và tạo nên một Rạng Đông mới – công nghệ cao và hiện đại.

“Người Rạng Đông với những phẩm chất truyền thống đã hình thành bộ gen “6T”: tận tâm, tận lực, tự tin, tự trọng, tự giác và trung thực; “4 cùng: cùng hướng nhìn, cùng tấm lòng, cùng làm, cùng hưởng. Trong tình hình mới, người Rạng Đông đã được bổ sung thêm các phẩm chất: kiến tạo, đột phá, thích ứng và chuyên nghiệp, với nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đưa Công ty vượt qua mọi thách thức”, ông Thăng chia sẻ.

Khát vọng Make in Vietnam

Ở thời điểm hiên tại, Rạng Đông đã tạo dựng được vị thế vững chắc sau nhiều năm tập trung khai thác thị trường nội địa, đảm bảo tăng trưởng dài hạn với mảng truyền thống. Không “ngủ quên” trên thành công, ông Thăng cho biết, Rạng Đông đang từng bước hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam.

“Sản phẩm của Việt Nam được sản xuất trên dây chuyền của Việt Nam, vật liệu Việt Nam, do chính người Việt Nam tạo nên. Mỗi người dân Việt Nam khi sử dụng sản phẩm Rạng Đông sẽ cảm thấy tự hào về một sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt”, ông Thăng nói.

Để biến mục tiêu này thành hiện thực, Rạng Đông nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 phương diện: công nghệ, quá trình và tổ chức – con người, lựa chọn con đường phát triển bằng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế. Công ty đã đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, thông minh, tự động hóa cao, tích hợp công nghệ số để sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phẩm cao cấp, có hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng ở tầng lớp trung lưu, thượng lưu và xuất khẩu sang các nước G7, G20.

Bước chuyển biến quan trọng của Rạng Đông trong thời gian qua là đã thực hiện kinh doanh trên nền tảng số và thương mại điện tử, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh, chinh phục niềm tin của khách hàng và xóa bỏ hoàn toàn khái niệm cạnh tranh bằng giá rẻ. Với những bước đi đồng bộ, quyết liệt và mạnh mẽ, ông Thăng tự tin, Rạng Đông sẽ sớm chinh phục những mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Để chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn, vừa qua, Hội đồng Quản trị Rạng Đông đã xin phê duyệt đầu tư nhà máy công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng. Đây là nhà máy nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa hai dòng sản phẩm gồm LED hệ sinh thái số và sản phẩm điện tử công nghệ cao.

Năm 2021 kỷ niệm 60 năm thành lập Rạng Đông, cũng là năm bản lề quyết định chiến lược bứt phá, tăng trưởng theo cấp số nhân trong giai đoạn mới. Ông Thăng khẳng định, người Rạng Đông có chung một khát vọng đưa Rạng Đông trở thành thương hiệu Việt sánh vai các thương hiệu lớn trong khu vực và thế giới.

Theo baodautu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top