20240513082754978gia trung binh nhap khau tom cua my chua tang sau 1601 1

Cà Mau là tỉnh xuất khẩu tôm đã liên tục vượt mốc 1 tỷ USD/năm, thế nhưng nguồn tôm giống hiện tại cho ngành nghề này hiện đang yếu và thiếu. Vì thế, cần có một chiến lược bền vững, đảm bảo nguồn giống cung cấp cho ngành tôm tỉnh này tiếp tục phát triển.

Cà Mau có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm. Tỉnh có ba mặt giáp biển, chiều dài 254 km với trên 80 cửa biển, hằng năm mang lượng phù sa, sinh vật phù du, nguồn giống tự nhiên cung cấp cho khu vực nội địa. Toàn tỉnh có 303.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, còn lại nuôi các loài thuỷ sản khác với đa dạng các loại hình nuôi.

Nội lực chỉ đủ nhu cầu 50% nhưng yếu

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, tính đến hết năm 2023, sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 231.500 tấn, năng suất tôm nuôi bình quân ước đạt 830,5 kg/ha/năm, kim ngạnh xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,064 tỷ USD. Toàn tỉnh có 280.000 ha diện tích nuôi tôm, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hằng năm khoảng 40 tỷ con. Nhưng trên thực tế, năng lực sản xuất tôm giống tại địa phương chỉ đáp ứng gần 50% giống tôm nuôi (chủ yếu là giống tôm sú), số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và lân cận. Đối với nguồn giống trong tỉnh, chất lượng tôm giống sản xuất tại địa phương từng bước được nâng cao. Mặc dù năm 2023 lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh đạt trên 19,5 tỷ con (tôm sú 13 tỷ và tôm thẻ chân trắng 6,5 tỷ) nhưng cũng chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu. Tuy vậy, lĩnh vực sản xuất tôm giống ở Cà Mau vẫn còn những khó khăn nhất định: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, như thiếu hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường phục vụ sản xuất tôm giống.

Nghề sản xuất tôm giống Cà Mau đã có khá lâu, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, 70% cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế; tình trạng trại sản xuất ngoài quy hoạch còn nhiều, các cơ sở sản xuất chưa đảm bảo điều kiện sản xuất… gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Cơ sở thiếu vốn đầu tư nên sản xuất ra tôm giống có chất lượng chưa đạt chất lượng như mong muốn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều lô tôm giống sản xuất và nhập tỉnh lưu thông chưa được kiểm dịch bày bán tràn lan tại các chợ, khu tập trung dân cư, không đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Nhu cầu con giống chất lượng cao từ Ninh Thuận
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trưởng của nghề tôm Cà Mau từ nhiều năm trước, ngành tôm giống trong tỉnh đã tham gia vào chuỗi tôm giống trong và ngoài tỉnh để cung cấp cho người nuôi mang lại hiệu quả, tạo được lòng tin cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2023, các trạm kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh khoảng 20,5 tỷ con (tôm sú giống 7,5 tỷ và tôm giống thẻ chân trắng 13 tỷ). Trong đó, số lượng tôm giống nhập tỉnh qua kiểm dịch là 6 tỷ con (tôm sú giống 2 tỷ và tôm giống thẻ chân trắng 4 tỷ con) mà trong đó, nguồn tôm giống nhập chủ yếu là từ Miền Trung, mà nhiều nhất là tỉnh Ninh Thuận.

Chính vì vậy, nghề tôm Cà Mau cần có một chuỗi liên kết cung cấp nguồn giống ổn định, uy tín chất lượng, sạch bệnh để tăng trưởng ổn định bền vững theo chiến lược mà tỉnh này đã xây dựng từ sớm.

Tại Hội nghị xúc tiến, kết nối cung – cầu tôm giống Ninh Thuận ngày 30/7 do 2 Sở NN&PTNT Ninh Thuận và Cà Mau phối hợp tổ chức, các nội dung hợp tác giữa 2 sở về hợp tác cung cấp cung cấp tôm giống đã được triển khai, tạo được hướng đi ổn định lâu dài cho ngành tôm Cà Mau.

Theo đó, đã định hướng phát triển sản xuất ngành tôm nước lợ và đồng hành cùng các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống Ninh Thuận và người nuôi tôm nước lợ tại Cà Mau. Các nhiệm vụ, giải pháp, công tác phối hợp triển khai thực hiện việc xúc tiến, kết nối cung – cầu tôm giống Ninh Thuận tại Cà Mau cũng đã được thảo luận bàn bạc. Tại hội nghị, nhiều bản ghi nhớ hợp tác sản xuất và tiêu thụ tôm giống giữa các công ty sản xuất tôm giống tỉnh Ninh Thuận với các đơn vị nuôi tôm tỉnh Cà Mau cũng đã được ký kết.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tuy là lần đầu tiên tổ chức, nhưng đã đáp ứng được mong muốn của ngành nông nghiệp Cà Mau. Đó là tôm giống Ninh Thuận về Cà Mau nhiều hơn, dân Cà Mau thả giống Ninh Thuận đạt chất lượng ngày càng cao hơn.”

“Cà Mau là thị trường tiềm năng, chúng tôi mong muốn chúng ta cùng giới thiệu, trao đổi, tháo gỡ khó khăn nếu có; tập trung kết nối cung cầu, kết hợp lâu dài, thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm nước lợ bền vững hơn nữa trong thời gian tới” – ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận nói.

Theo Báo Kinh tế Đô thị

Scroll to Top