Hàng loạt quỹ đầu tư quốc gia từ các nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar đang đẩy mạnh đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở Đông Nam Á. Động thái của họ đánh dấu một điểm sáng hiếm hoi khi nguồn vốn trong khu vực giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm.
Theo dữ liệu của Refinitiv, có 59 giao dịch rót vốn vào không gian khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á liên quan đến các nhà đầu tư ở Trung Đông trong giai đoạn 2022-2023, tăng so với 7 giao dịch trong giai đoạn 2018-2019.
Sự gia tăng này xuất hiện khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm sụt giảm trên toàn cầu và các nhà đầu tư Trung Quốc hạn chế đầu tư vào khu vực. Hoạt động đầu tư của những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Alibaba và Tencent, vốn đã bơm hàng tỉ đô la vào các tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử ở Đông Nam Á, đã chậm lại.
Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA), nơi quản lý tài sản trị giá 475 tỉ đô la Mỹ, đang tăng cường giao dịch tại khu vực đang phát triển nhanh chóng với dân số 750 triệu người. Trong năm 2023, QIA đã đầu tư vào Carsome, một nền tảng buôn bán xe cũ trực tuyến có trụ sở tại Malaysia, trong một vòng tài trợ trị giá 300 triệu đô la.
Cũng trong năm ngoái, Quỹ Đổi mới Mohammed bin Rashid của Bộ Tài chính UAE, tài trợ cho Avani, một startup phần mềm của Indonesia. Quỹ nhà nước Mubadala Investment Company của Tiểu vương quốc Abu Dhabi thuộc UAE mua lại cổ phần chiến lược ở sàn giao dịch tín chỉ carbon AirCarbon của Singapore.
Trong khi đó, hồi tháng 10, Aramco Ventures, một công ty con của Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco (Saudi Arabia) dẫn đầu vòng gọi vốn 10 triệu đô la của Redex, startup cung cấp dịch vụ quản lý chứng chỉ năng lượng tái tạo có trụ sở tại Singapore.
Yinglan Tan, đối tác quản lý của quỹ Insignia Ventures Partners tập trung vào Đông Nam Á, cho biết các nhà đầu tư Trung Đông nhìn thấy các cơ hội “thụ phấn chéo”, có thể giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của riêng họ.
“Họ hy vọng các khoản đầu tư tiềm năng vào các công ty toàn cầu sẽ tác động đến nền kinh tế của họ, tạo việc làm và thậm chí là giới thiệu các mô hình để các startup ở Trung Đông học hỏi”, Tan nói. Tuy nhiên, ông lưu ý, sau nhiều năm đầu tư mạnh mẽ ở Đông Nam Á, “thật khó để tưởng tượng việc Trung Quốc bị Trung Đông lấn át về lâu dài”.
Nhìn chung, hoạt động huy động vốn tư nhân ở Đông Nam Á giảm mạnh trong năm nay so với mức kỷ lục trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Theo báo cáo mới đây của Google, Công ty đầu tư nhà nước Temasek của Singapore và hãng tư vấn Bain & Co., Đông Nam Á có 564 giao dịch đầu tư vốn đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm 2023, giảm 54% so với một năm trước đó, trong khi giá trị giao dịch giảm 70%, xuống còn 4 tỉ đô la.
Một đối tác của một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore cho biết nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực đang nhắm đến các nhà đầu tư Trung Đông để huy động vốn. “Chúng tôi đã đến Trung Đông ba lần trong 18 tháng qua, chủ yếu là tới Qatar và UAE để huy động tiền và đã thành công. Chúng tôi chưa bao giờ thực hiện chuyến thăm như vậy trước đại dịch”, đối tác này nói.
QIA đã thành lập văn phòng tại Singapore vào năm 2021 như một phần trong nỗ lực tăng cường tiếp xúc với thị trường châu Á. Sheikh Faisal bin Thani Al-Thani, Giám đốc đầu tư của QIA, cho biết tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Đông Nam Á biến khu vực này trở thành một cơ hội đầu tư hấp dẫn.
“Chiến lược đầu tư của QIA là tìm kiến và hỗ trợ các công ty đổi mới trong khu vực khi họ phát triển”, ông nói.
Các startup và quỹ đầu tư ở Đông Nam Á đang chịu áp lực phải tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Báo cáo của Google, Temasek và Bain cho thấy, trong 7 năm qua, các quỹ khu vực Đông Nam Á báo cáo lợi nhuận trung bình hàng năm chỉ là 4%, so với 10% ở Ấn Độ và 50% ở Trung Quốc.
“Thoái vốn khỏi các startup để chốt lợi nhuận là một vấn đề ở Đông Nam Á vì khu vực này tụt hậu so với các nước khác như Trung Quốc hay thậm chí Ấn Độ khi nói đến lợi nhuận mà các startup mang lại cho các nhà đầu tư”, lãnh đạo của một quỹ đầu tư Trung Đông, có văn phòng hoạt động ở châu Á, nói.
Theo Financial Times