AppliedMaterials
Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm sáng mới về công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á và Nam Á, và đang góp phần khẳng định tầm quan trọng của hai khu vực này trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Bên cạnh yếu tố tiềm năng thị trường và thị phần, Đông Nam Á và Ấn Độ còn được xem là nguồn cung quan trọng của nhân lực ngành chip.
Câu chuyện tại Ấn Độ, ASEAN và Việt Nam
Hãng chip hàng đầu của Đức là gương mặt mới nhất tham dự cuộc chơi. Ông Chua Chee Seong, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Infineon Technologies, cho biết hãng đang tuyển dụng thêm nhân viên ở Ấn Độ.
Đây vốn là cơ sở nghiên cứu và phát triển quan trọng ở châu Á của hãng chip Đức. Infineon cũng nhắm tới mở rộng đáng kể quy mô nhân sự tại văn phòng mới ở Viêt Nam, với “hàng trăm” kỹ sư.
“Tôi nghĩ tầm quan trọng của hai khu vực xét về nhân tài chip, chuỗi cung ứng chip sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới. Hai khu vực này tương đối trung lập trong môi trường địa chính trị năng động. Đây cũng là những địa điểm lý tưởng cho hiệu suất kinh doanh cao”, ông Chua nói với Nikkei Asia.
Ông Chua cho biết tầm quan trọng của Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng, về tiềm năng thị trường lẫn nguồn nhân lực. Hãng đã tuyển dụng 2.000 nhà thiết kế chip, nhà phát triển phần mềm tại Ấn Độ. Trong quá trình tìm kiếm các địa điểm mới ở khắp Ấn Độ để mở văn phòng, ông nhận ra sự cạnh tranh ngày càng tăng trong việc săn lùng nhân tài tại đây khi dòng vốn nước ngoài đổ vào nước này tăng mạnh. Ấn Độ đang trỗi dậy, giống như Trung Quốc cách đây hai hay ba thập niên.
Ông xác định ngành công nghiệp xe hơi, xe máy là đặc biệt hứa hẹn ở Ấn Độ. Với chỉ 4 triệu xe hơi hiện nay, ông Chua tin tưởng “Ấn Độ có rất nhiều dư địa để phát triển”. Thị trường xe máy 20 triệu dân của Ấn Độ cũng mang đến cơ hội tăng trưởng lớn cho chip dành cho xe hai bánh chạy điện và công nghệ pin.
Về phía Đông Nam Á, khu vực này dường như đang tận dụng cơ hội vươn mình từ cuộc đối đầu địa chính trị Mỹ – Trung hiện nay.
Trong đó, Singapore là một trung tâm sản xuất quan trọng với chuỗi sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh nhất ASEAN, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vi mạch. Các hãng chính đều đặt văn phòng tại đây. Malaysia là nơi chiếm đến một nửa công suất đóng gói và thử nghiệm chip quan trọng, trong 27% thị trường thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn toàn cầu. Hơn 50 tập đoàn bán dẫn đa quốc gia đang hiện diện tại Malaysia.
Nếu như Thái Lan được xem “sân sau” của các hãng chip Nhật Bản thì Việt Nam cũng đang nổi lên như một trung tâm quan trọng cho các nhà phát triển chip. Hãng sản xuất phần mềm thiết kế chip hàng đầu của Mỹ Synopsys đã thành lập một nhóm R&D gồm 600 người tại đây. Các nhà phát triển chip hàng đầu của Mỹ là Nvidia và Marvell cũng đang mở rộng đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam.
Việt Nam sở hữu 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và thực thi, sắp tới sẽ thêm ba hiệp định đang đàm phán với các nước Trung Đông và Nam Mỹ. Đây cũng là một lợi thế để Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip công nghệ cao.
Cuộc chiến giành nhân tài
Các hãng chip, các công ty công nghệ khác đang đổ xô về Đông Nam Á và tiểu lục địa Nam Á. Singapore và Ấn Độ trở thành đại bản doanh khu vực. Tất cả những người tham gia cuộc chơi đều mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, đồng thời kỳ vọng vào khả năng hồi phục của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Ấn Độ đã thu hút những công ty lớn như Intel, Qualcomm, AMD, Application Materials và Micron. Những gã khổng lồ đã thành lập các trung tâm R&D và cơ xưởng sản xuất ở đó. Những nhà thầu lớn của Apple như Foxconn và Pegatron đang tăng cường sản xuất iPhone ở Ấn Độ.
Chua của Infineon nói thêm rằng Singapore đóng một vai trò rất nổi bật ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm, vận hành và hậu cần. “Các tấm wafer từ các nhà sản xuất theo hợp đồng của chúng tôi, chẳng hạn như TSMC, sẽ đến Singapore trước tiên. Sau đó, hàng sẽ được gửi đến các nhà lắp ráp và đóng gói chip khác”.
Singapore trở thành đại bản doanh quan trọng của ASEAN. Các đại gia chip toàn cầu đang hiện diện ở đây để giành miếng bánh thị phần, nhưng điều quan trọng hơn, là để thu hút nhân tài.
Singapore có tài năng kỹ thuật tốt. Nhưng vấn đề lớn của nguồn nhân sự ở đảo quốc này, ông Chua nhấn mạnh, là giới trẻ không muốn làm việc trong ngành chip và các ngành sản xuất khác. Họ muốn theo đuổi lĩnh vực tài chính, có danh vọng và tiền tài hơn.
Nhận thấy những hạn chế của đảo quốc về đất đao và lao động, năm 2021 Singapore đưa ra chiến lược “ Singapore Plus One”. Chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp, khuyến khích nhà đầu tư lập văn phòng đầu não hoặc trung tâm đổi mới ở Singapore. Từ đây, các nhà đầu tư có thể mở rộng mạng lưới sản xuất ở các nước láng giềng Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Wee Seng Ang, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Singapore, nói với Nikkei Asia: “Đất đai của Singapore sẽ không mở rộng lớn hơn theo thời gian. Để phát triển ngành, chúng tôi nhận thấy việc phát triển và mở rộng nguồn nhân tài là nhiệm vụ quan trọng nhất”.
Theo Nikkei Asia, BSA
Scroll to Top