Ngày đăng: 04/10/2023
Chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, bà Kimberly Chow, Kiến trúc sư bảo mật cấp cao tại Amazon Web Services (AWS), cho rằng điện toán đám mây là lựa chọn tối ưu để tăng tốc chuyển đổi số. AWS cung cấp các giải pháp bảo mật an toàn cho các tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của nhà cung cấp dịch vụ đến từ Mỹ này.
Lấy ví dụ minh chứng cho điện toán đám mây là lựa chọn tối ưu để tăng tốc chuyển đổi số, bà Kimberly Chow cho biết, trong thời kỳ đại dịch toàn cầu AWS đã giúp Zoom mở rộng hoạt động từ 10 triệu đến 300 triệu người. Tại Việt Nam, Lotte Data Communication Vietnam không chỉ giảm được chi phí vận hành 50% mà họ còn có thể tạo ra những kết nối API an toàn và bảo vệ những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cho khách hàng bằng cách xây dựng các giải pháp API trên AWS. Lotte Data Communication Vietnam có thể cung cấp những dịch vụ có độ an toàn cao cũng như có độ khả dụng cao và có thể tiết kiệm cho khách hàng và làm giảm chi phí CNTT trực tiếp.
Một ví dụ khác, khoa tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức các lớp học tiếng Anh cho hơn 15.000 sinh viên đại học và sau đại học mỗi năm. Trong thời kỳ đại dịch, khoa tiếng Anh đã dịch chuyển hệ thống quản lý đào tạo lên đám mây, nhờ đó có thể mở rộng để có thể cung cấp dịch vụ cho 5.000 sinh viên trên 161 lớp học trực tuyến mà vẫn bảo mật dữ liệu cho sinh viên. Điện toán đám mây không chỉ có khả năng thúc đẩy hoạt động kinh doanh mà còn là lựa chọn tối ưu khi tăng tốc quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc bảo mật dữ liệu sẽ ra sao? bà Kimberly Chow nhấn mạnh mô hình trách nhiệm chung giữa AWS và các khách hàng đang thực hiện. Theo đó, nếu khách hàng dùng dịch vụ sẽ được AWS chịu trách nhiệm việc bảo vệ an ninh bảo mật của đám mây, bao gồm tất cả các cơ sở hạ tầng chạy đám mây ở trong trung tâm dữ liệu của AWS toàn cầu cũng như các dịch vụ mà cung cấp cho khách hàng sử dụng trên đám mây. Điều đó có nghĩa là AWS đã triển khai tất cả những biện pháp kiểm soát bảo mật mạnh mẽ và nghiêm ngặt trên tất cả đám mây của mình và các dịch vụ sẽ được an toàn.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp sử dụng Amazon EC2, đây là máy ảo trên đám mây thì có thể yên tâm rằng AWS có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ bao gồm an ninh bảo mật vật lý cũng như môi trường cho đến cấp độ ảo hóa. Tất cả những điều này đã được xác nhận, đảm bảo và hỗ trợ bởi các bên thứ 3.
Trong khi đó, khách hàng phát triển ứng dụng trên đám mây của AWS thì phải chịu trách nhiệm đảm bảo xây dựng những biện pháp bảo mật cho dữ liệu và ứng dụng của mình. Nhưng AWS không để khách hàng phải làm việc này một mình. AWS có rất nhiều công cụ bảo mật như AWS Identity and Management service, AWS Key Management service, cho phép khách hàng có thể bảo mật cũng như mã hóa dữ liệu họ lưu trữ trên đám mây AWS. AWS cung cấp cho khách hàng những công cụ quản lý, cấu hình cũng như ứng phó với sự cố trên đám mây.
Bà Kimberly Chow khẳng định: “Khách hàng luôn luôn sở hữu và kiểm soát dữ liệu của mình trên đám mây. Họ lựa chọn địa điểm mà dữ liệu được lưu trữ cũng như cho phép ai có quyền truy cập vào dữ liệu đó. AWS hoàn toàn không thể nhìn thấy được những hoạt động đó”.
Bên cạnh đó, AWS có thể giúp các khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tối ưu hóa các khoản đầu tư vào bảo mật – không chỉ là các chi phí liên quan đến bảo mật mà nó liên quan đến việc giảm chi phí điều hành, chi phí quản lý đối với các nhân viên an ninh bảo mật để họ có thể sử dụng đám mây. Kể từ năm 2006, AWS đã giảm giá 129 lần các dịch vụ, trong đó có các dịch vụ an ninh bảo mật. Đám mây luôn luôn là giải pháp giúp khách hàng giảm chi phí để đạt kết quả bảo mật tốt hơn.
Kể từ khi ra mắt, Amazon Macie, dịch vụ khám phá thông tin nhận dạng cá nhân – PII Discovery Service (Personally Identifiable Information Discovery Service) của AWS đã giảm 80% chi phí. Amazon GuardDuty, một dịch vụ phát hiện mối đe dọa sử dụng công nghệ máy học đã giảm 40% chi phí. AWS Shield Standard, dịch vụ tự động phát hiện tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) được cung cấp miễn phí cho tất cả khách hàng.
AWS cũng tập trung vào việc đào tạo con người trong việc nâng cao năng lực an ninh bảo mật. Từ năm 2017, AWS đã đào tạo hơn 6 triệu người trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hơn 50.000 người tại Việt Nam về các kỹ năng đám mây. Thông qua chương trình AWS Skills Guild, AWS giúp khách hàng hiểu rõ hơn cách vận hành an ninh bảo mật ở quy mô lớn hay chương trình AWS re/Start giúp những người chưa có công ăn việc làm bắt đầu và nâng cao kỹ năng đám mây của mình. AWS cũng hỗ trợ các trường đại học, cao học với chương trình AWS Academy để nâng cao khả năng đào tạo kĩ năng đám mây và bảo mật cho sinh viên của họ.
AWS hiện đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam với công bố kế hoạch ra mắt Local Zone tại Hà Nội, ra mắt 2 Edge Locations tại Hà Nội và TPHCM và dịch vụ AWS Global Accelerator năm 2022. Trước đó vào tháng 11-2021, AWS cũng ra mắt AWS OutPosts tại Việt Nam, một dịch vụ giúp khách hàng có được các trải nghiệm đám mây AWS ngay tại hạ tầng tại chỗ của họ.
AWS cam kết hỗ trợ các đối tác có năng lực bảo mật để mang lại kết quả cho khách hàng. Mạng lưới AWS tại Việt nam có hơn 100.000 đối tác từ hơn 150 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, AWS có FPT Software, Lotte Data Communication, TechX… là vài trong số nhiều đối tác trong nước mà AWS đang hợp tác để phát triển năng lực an ninh bảo mật cho cộng đồng ở Việt Nam.