bt1007

Vào ngày 08/06 tại Kỳ họp IX Quốc hội khóa XIV, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – yLiên minh châu Âu (EVIPA). Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực thực thi tại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ngay từ 01/08/2020. Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian sắp tới.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, hiện nay EU là thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ. Việc miễn, giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh nhất định cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam tại thị trường này.

Việc thỏa mãn được các yêu cầu, quy định và thủ tục giấy tờ liên quan đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa được coi là điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi từ các cam kết trong Hiệp định EVFTA. Vào ngày 15/06/2020, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây được coi là văn bản pháp luật chính thức của Việt Nam quy định về Cách xác định xuất xứ hàng hóa, Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa dựa trên các cam kết trong Hiệp định EVFTA.

Theo Thông tư 11/2020/TT-BCT, hàng hóa được coi là có xuất xứ trong những trường hợp sau:

– Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Nước thành viên;

– Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một Nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ theo quy định ttrong Thông tư số 11/2020/TT-BCT.

Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Liên minh châu Âu được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:

– Giấy chứng nhận xuất xứ C/O (C/O mẫu EUR.1);

– Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 25 Thông tư này phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 euro. Cụ thể, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại Nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Nước thành viên nhập khẩu;

– Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương.

Để hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu phù hợp quy định của Nước thành viên đó. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.

Thông tư số 11/2020/TT-BCT sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2020.

 

Nội dung chi tiết Thông tư số 11/2020/TT-BCT gồm Phụ lục đi kèm (bao gồm Mẫu C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam; Danh mục các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam; Quy tắc cụ thể mặt hàng…) xem tại: http://trungtamwto.vn/chuyen-de/15605-bo-cong-thuong-ban-hanh-thong-tu-so-112020tt-bct-quy-dinh-ve-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-trong-evfta

Thông tin tham khảo xem tại:

https://congthuong.vn/quy-tac-xuat-xu-trong-evfta-nhung-dieu-luu-y-140075.html

https://vcci.com.vn/go-vuong-ve-quy-tac-xuat-xu-de-doanh-nghiep-tu-tin-don-song-evfta

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top