Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa, cùng với bồi bổ dưỡng chất cho đất, Gia Lai đã đưa năng suất canh tác mía vươn lên cao nhất Đông Nam Á. Thành quả này không chỉ giúp tăng cao thu nhập cho nông dân trồng mía, mà còn tăng hấp thụ khí nhà kính, làm tiền đề cho người trồng mía bán tín chỉ carbon trong tương lai…
Với hơn 35.000 ha trồng mía, Gia Lai là vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước ta, tập trung ở các địa phương phía Đông tỉnh như huyện Đăk Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê.
Theo ông Đinh Văn Thịnh, người dân tộc Bana ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, canh tác mía đã đổi thay rất nhiều trong vài năm trở lại đây, nhờ trồng giống mía năng suất, chất lượng cao, chịu hạn tốt, cùng với đó đưa cơ giới hóa từ khâu trồng trọt, chăm sóc, bón phân đến thu hoạch đã giúp đưa năng suất lên cao.
“Những năm trước đây, năng suất mía chỉ được từ 50 tấn đến 60 tấn/ha. Vụ vừa qua (2023-2024), ruộng mía của gia đình tôi đạt năng suất tới 70 tấn/ha, tăng 7 tấn/ha so với vụ 2022-2023. Tổng sản lượng mía thu hoạch của gia đình đạt gần 500 tấn, bán cho nhà máy đường được 650 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 350 triệu đồng”, ông Thịnh chia sẻ. Đồng thời, ông Thịnh cho biết nhờ cơ giới hoá, trồng và thu hoạch mía không còn vất vả và tốn nhiều công lao động. Trước đây, để thu hoạch xong 1 ha mía phải mất tới 2 ngày, hiện nay dùng máy móc hiện đại, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ đã hoàn tất.
CÂY MÍA ĐỔI THAY TỪ CƠ GIỚI HOÁ
Rẫy mía của anh Nguyễn Thành Phúc ở thôn 1, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang ngang dọc những đường ống nước và vòi phun nhỏ xíu. Rẫy mía tại đây toàn những cây to tròn mập mạp, lóng vươn dài. Anh Phúc khoe: “Vụ vừa qua, rẫy mía của tôi đạt năng suất 100 tấn/ha”. Thật kinh ngạc, bởi theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì năng suất mía bình quân của cả nước niên vụ 2023-2024 đạt 67,7 tấn/ha (con số đã rất cao so với những năm trước).
Lý giải việc đạt được năng suất mía vượt trội, anh Phúc cho hay rẫy mía này trước đây nếu thời tiết thuận lợi, năng suất cũng chỉ đạt 60-70 tấn/ha, còn khi gặp nắng nóng kéo dài thì chỉ tầm 40-60 tấn/ha. Tuy nhiên, từ khi gia đình đầu tư áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước không còn phải lo lắng chuyện thời tiết nắng nóng thất thường mà còn tiết kiệm được 50% lượng nước tưới. Quan trọng hơn, phân bón được hòa cùng nước thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt dẫn tới từng gốc mía giúp tiết kiệm từ 40 – 60% so với cách bón rải trên mặt đất. Nếu trước đây diện tích này cần đến 30 bao phân thì bây giờ chỉ khoảng 10 bao là đủ.
NGƯỜI TRỒNG MÍA HY VỌNG BÁN TÍN CHỈ CARBON
Ông Đặng Phú Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, đánh giá thành công trong việc đưa được năng suất mía từ mức thấp trong khu vực lên mức năng suất mía cao nhất Đông Nam Á có sự góp phần từ Chương trình “bồi bổ sức khỏe” cho đất, do Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi và Công ty Phân bón Việt Nhật phối hợp triển khai.
Theo đó, Công ty Phân bón Việt Nhật đã tiến hành phân tích các mẫu đất, phân loại đất trên vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê, đã bàn giao 15 bản đồ. Trong đó có 3 bản đồ về lấy mẫu, phân loại đất, hiện trạng sử dụng đất và 12 bản đồ thể hiện hiện trạng dinh dưỡng đất ở các huyện, thị xã với diện tích đánh giá trên 29.463 ha. Dựa vào bản đồ hiện trạng dinh dưỡng này, Nhà máy đường An Khê đã xây dựng quy trình canh tác và bón phân phù hợp cho từng loại đất, giúp người trồng mía nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bản đồ hiện trạng dinh dưỡng cho biết vùng đất nào thiếu chất gì để trong quá trình canh tác, nông dân bón bổ sung chất ấy. Liều lượng phân bón sử dụng phù hợp, không cho thừa cũng không để thiếu, chỉ đáp ứng đầy đủ cho cây trồng.
“Thực tế cho thấy, áp dụng bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất vào sản xuất, nông dân giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên mỗi tấn mía, giúp cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thuận lợi hơn. Dựa theo bản đồ dinh dưỡng này, Nhà máy đường An Khê khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hợp lý với từng loại đất để tăng hiệu quả sản xuất”, ông Đặng Phú Quý khẳng định.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam