Tết Trung thu năm 2024 đến khi các tỉnh phía Bắc vừa trải qua những ảnh hưởng hết sức nặng nề của cơn bão số 3. Hiện, mỗi gia đình đến các cơ quan, đơn vị, sở, ngành đều tập trung cho công tác khắc phục hậu quả, thiệt hại của bão khiến các hoạt động vui Tết Trung thu có phần trầm lắng hơn. Song tin chắc rằng, mỗi người, mỗi gia đình sẽ đều có những cách riêng để đón Tết đoàn viên bình dị và ấm cúng.
Tết Trung thu 2024 đã cận kề. Thời điểm này hàng năm được coi là “thời điểm vàng” để các gia đình đưa con đi vui chơi, mua sắm các món đồ chơi, đồ trang trí… Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, những con phố Trung thu tại Hà Nội như: Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… vắng người đến tham quan, mua sắm hơn mọi năm.
Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của bão số 3, nên nhiều hoạt động tổ chức Tết trung thu của các tập thể, trường học… bị tạm hoãn, nên thị trường mua sắm cũng ảm đạm hơn. Dù vậy, ghi nhận trên thị trường, các sản phẩm phục vụ cho Tết Trung thu vẫn khá phong phú, đa dạng, với đủ loại sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại.
Do tình hình mưa lũ phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội, một số hoạt động văn hóa, du lịch tại Hà Nội đã tạm dừng hoặc dời lịch tổ chức. Dù vậy, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ, động viên các gia đình và đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau mưa bão.
Trong cùng diễn biến, nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa trong việc hỗ trợ người dân chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ xây dựng kế hoạch tổ chức 6 chương trình nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội.
Tiền quyên góp và một phần tiền bán vé trong quá trình tổ chức các chương trình nghệ thuật sẽ gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, yêu cầu công khai, minh bạch về tài chính.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam