Sau rieng o Hai Nam

Các công ty nông nghiệp và chính quyền địa phương ở Trung Quốc ngày càng chú trọng nỗ lực giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất nông sản từ giai đoạn mua vật tư đầu vào, canh tác cho đến thu hoạch, đóng gói.

Mục đích của nỗ lực này là nhằm khuyến khích canh tác xanh và tiêu dùng xanh trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy các cơ chế phát triển xanh và phát thải ít carbon.

Sầu riêng được cấp chứng nhận về lượng phát thải carbon

Gần đây, một lô trái cây sầu riêng trồng tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc được cấp nhãnchứng nhận về lượng phát thải carbon.

Nhãn chứng nhận “dấu ấn’ carbon này sẽ giúp người tiêu dùng nắm bắt được tác động khí hậu từ sự lựa chọn mua trái cây. Điều này sẽ thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh và khuyến khích các nhà sản xuất nông nghiệp phát triển và áp dụng các công nghệ xanh, ít phát thải carbon hơn

Trong chu kỳ sinh trưởng của sầu riêng, các khâu như trồng trọt, tưới tiêu, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, đóng gói và vận chuyển đều phát thải carbon. Bằng cách thu thập mẫu đất từ các trang trại sầu riêng ở Hải Nam và đánh giá các biện pháp canh tác liên quan, các nhà nghiên cứu của Trường Khoa học tài nguyên và môi trường thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (NAU) cho biết, 1 kg sầu riêng sẽ phát thải ra lượng khí nhà kính xấp xỉ 2 kg carbon tương đương (CO2e).

Cheng Kun, phó giáo sư tại NAU cho biết, sầu riêng phát thải carbon cao hơn so với các loại trái cây khác. Điều này đặc biệt rõ ràng ở những cây sầu riêng trồng ở Hải Nam, vốn chỉ mới bắt đầu ra quả trong hai năm qua. Năng suất thấp hơn trong giai đoạn đầu phát triển của cây sầu riêng dẫn đến lượng khí thải carbon trên mỗi quả ở mức cao.

Các công ty trồng sầu riêng ở Hải Nam bắt đầu sử dụng than sinh khối, do các nhà nghiên cứu của NAU phát triển, để làm giàu chất hữu cơ trong đất, cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước và độ phì nhiêu. Phương pháp này không chỉ nâng cao chất lượng đất và năng suất sầu riêng mà còn làm tăng đáng kể khả năng hấp thụ carbon trong đất, dự kiến ​​giúp cắt giảm lượng phát thải hơn 30%.

Trong nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hồi tháng 7, Bắc Kinh nhấn mạnh quyết tâm cải thiện các cơ chế phát triển xanh và carbon thấp.

Theo đó, Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống kiểm kê và tính toán lượng khí thải carbon, hệ thống dán nhãn và chứng nhận lượng phát thả carbon cũng như hệ thống quản lý dấu ấn carbon. Là một trong những nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực giảm thiểu phát thải carbon trong ngành này.

Cây cam phát thải carbon thấp

Được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại cam, cam Aiyuan trồng ở Ôn Giang, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc được Hiệp hội Công nghệ Tiết kiệm năng lượng điện tử Trung Quốc cấp nhãn chứng nhận về lượng phát thải carbon hồi cuối năm ngoái.

Đây là loại trái cây có múi đầu tiên ở Trung Quốc được cấp loại nhãn chứng nhận này. Theo đó, cam Aiyuan được chứng nhận phát thải 0,29 kg carbon tương đương cho mỗi kilogram, thấp hơn gần 50% so với lượng phát thải ở các loại cam canh tác theo phương thức truyền thống.

Yang Xin, chủ tịch một hiệp hội canh tác hữu cơ ở Ôn Giang cho biết, nông dân trồng cam địa phương ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng mới để vận chuyển phân bón và thuốc trừ sâu trong giai đoạn mua vật tư đầu vào. Nông dân cũng tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các phương pháp kiểm soát sâu bệnh thân thiện với môi trường thay thế cho thuốc trừ sâu dựa vào hóa chất. Cùng với đó là sử dụng thủy điện để vận hành hoạt động tưới tiêu và lưu trữ cam.

Năm ngoái, Ông Giang được công nhận là khu thí điểm quốc gia về phát triển nông nghiệp xanh. Thống kê cho thấy, hơn 75% lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp ở địa phương này là hữu cơ. Trong khi đó, các phương pháp kiểm soát sâu bệnh thân thiện với môi trường được sử dụng để sản xuất hơn 70% sản lượng của các loại cây trồng chính.

Trong năm nay, chính quyền tỉnh Giang Tô đã công bố các thông số kỹ thuật đối vớ việc dán nhãn chứng nhận lượng phát thải carbon ở cây chè. Là một trong những tỉnh sản xuất chè lớn của đất nước, Giang Tô có hơn 33.333 hecta diện tích trồng chè.

Các thông số kỹ thuật mới được ban hành với mục đích khuyến khích thay đổi theo hướng thực hành sản xuất chè bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Nghiên cứu cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính trung bình từ các cánh đồng chè cao hơn so với rau quả và cao hơn hai lần so với các loại cây ngũ cốc.

Hiện tại, hơn 30 công ty sản xuất nông nghiệp ở 9 tỉnh ở Trung Quốc, gồm Giang Tô, Vân Nam, Sơn Tây và Quảng Đông, đã được cấp giấy chứng nhận cho nông sản không phát thải ròng carbon.

Zhang Jibing, tổng giám đốc của một trung tâm chứng nhận sản phẩm hữu cơ ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô cho biết, canh tác không phát thải carbon bao gồm những biện pháp như sử dụng phân bón hữu cơ và các thực hành nông nghiệp tuần hoàn để cô lập carbon trong đất, từ đó trung hòa lượng carbon phát thải trong quá trình canh tác.

Theo Xinhua, People Daily

Scroll to Top