Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang UAE nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm Halal, vì thế, phía UAE muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất, chế biến thực phẩm Halal tại Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra ngày 26-7, tại buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) với Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để bàn về các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước trong thời gian tới, theo Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT.
Theo Văn phòng chứng nhận Halal, chứng nhận Halal là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan của cơ quan/tổ chức được cấp phép để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram (chất cấm theo quy định của luật Hồi giáo) và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an và luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.
Chỉ các các sản phẩm vật thể được sản xuất hàng loạt và có nhãn hiệu thương mại rõ ràng thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước sở tại cho phép sản xuất mới có thể đăng ký chứng nhận Halal.
Sau khi được cấp Chứng nhận Halal doanh nghiệp sẽ được cấp logo Halal. Sản phẩm Halal (Sản phẩm được Chứng nhận Halal) sẽ được người Hồi giáo tin tưởng lựa chọn và sử dụng.
Theo số liệu về xuất nhập khẩu của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, UAE là một trong đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Năm 2023, kim ngạch hai chiều nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và UAE là 327 triệu đô la Mỹ, tăng mạnh so với những năm trước đó. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE là tiêu, điều, thủy sản như cá tra, tôm sú, tôm càng xanh, cá ngừ; rau quả là chanh, ổi, xoài, măng cụt, dừa; gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, chè. Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE là thức ăn gia súc và nguyên liệu.
Tại buổi làm việc này, phía UAE muốn xúc tiến nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều, thủy sản. UAE cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, phía UAE muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất, chế biến thực phẩm Halal tại Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với thị trường Halal. Thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông lâm thủy sản thô và sơ chế với 8 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè.
Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal (thực phẩm Halal) sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới. Đến năm 2030, quy mô của ngành công nghiệp Halal toàn cầu có giá trị lên tới 30,6 nghìn tỷ USD, riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 1.100 tỷ USD, trong đó, Malaysia là 228,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, có gần 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm tỷ lệ khoảng 23% dân số thế giới, chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Arab, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông, nhưng chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal, có thể thấy dư địa của ngành công nghiệp Halal còn rất lớn.
Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là một hướng đi tiềm năng của các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có Việt Nam. Việc thâm nhập vào các thị trường này sẽ cải thiện năng lực thị trường của Việt Nam và mở ra các cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Công thương