Xu hướng đi du lịch để tham dự các sự kiến thể thao lớn và hấp dẫn, từ giải đua xe Công thức 1 (Formula One) cho đến Thế vận hội Olympic mùa hè, đang trỗi dậy. Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UNWTO), du lịch thể thao (sports tourism) là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của ngành du lịch toàn cầu.
Lisa Delpy Neirotti, giáo sư và giám đốc Chương trình quản lý thể thao của Đại học George Washington (Mỹ), cho biết, thị trường du lịch thể thao rất lớn và sẽ ngày càng phát triển.
“Thị trường du lịch thể thao sẽ tiếp tục phát triển miễn là có những cơ hội mới để thi đấu. Các con số tăng trưởng có ở khắp mọi nơi nên rất khó để có được quy mô chính xác. Điểm rút ra lớn nhất là lĩnh vực này rất lớn và đang phát triển”, bà nói.
Delpy Neirotti lưu ý, khách du lịch thể thao tiêu rất nhiều tiền cho phòng khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, mua sắm tại các cửa hàng địa phương và tham quan các điểm du lịch khác.
Bà nói rằng, ngày càng có nhiều đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu ở các địa điểm quốc tế và người hâm mộ muốn theo chân họ. Theo bà, điều này có thể giúp các điểm đến thu hút sự chú ý của du khách thông qua mạng xã hội và truyền miệng.
“Khi đội bóng bầu dục San Diego Padres (Mỹ) thi đấu ở thành phố Mexico City (thủ đô của Mexico) thì sẽ có một lượng lớn người hâm mộ theo chân họ đến đó, tương tự giống như khi một đội bóng bầu dục chuyên nghiệp của Mỹ thi đấu ở Đức hay một đội bóng chày chuyên nghiệp của Mỹ thi đấu ở London. Các sự kiện thi đấu quốc tế đó mang lại cho mọi người hoặc người hâm mộ lý do để lên kế hoạch cho một chuyến đi du lịch”, Neirotti nói.
Hãng nghiên cứu Prophecy Market Insights dự báo, quy mô của thị trường du lịch thể thao toàn cầu sẽ tăng từ 588 tỉ đô la trong năm 2022 lên 3.468 tỉ đô la vào năm 2032.
Đối với một số quốc gia, những sự kiện này là cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế và quảng bá hình ảnh đất nước họ. Neirotti cho biết, Saudi Arabia, Trung Quốc, Qatar và nhiều nước khác đang sử dụng thể thao để giới thiệu đất nước họ, không chỉ với những khán giả trực tiếp tham dự, mà còn với tất cả những người xem chương trình phát sóng truyền hình hoặc phát trực tuyến.
Đặc biệt, Saudi Arabia gần đây đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh thể thao, nổi bật nhất là bóng đá và gôn. Nước này đã chi hàng trăm triệu đô la để chiêu mộ các vận động viên nổi tiếng như siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo và gôn thủ nổi tiếng của Mỹ, Dustin Johnson cho các giải thi đấu nhà nghề quốc nội.
Theo Delpy Neirotti, một mục tiêu chính của du lịch thể thao là cải thiện lượng du khách, đặc biệt là trong “mùa du lịch chuyển tiếp” (thời gian giữa mùa cao điểm và thấp điểm).
Tháng 9 là tháng mùa du lịch chuyển tiếp ở Singapore. Tuy nhiên, trong tháng này, đảo quốc Sư tử chứng kiến giá phòng khách sạn tăng lên tới 590 đô la Singapore (440 đô la Mỹ) trong dịp cuối tuần khi giải đua xe Formula One thường niên diễn ra. Hầu hết các khách sạn ở Singapore có tỷ lệ lấp đầy vượt quá 90% trong dịp này, theo hãng dữ liệu du lịch Adara.
“Đáng chú ý là một số khách sạn có thể đưa ra mức giá phòng thậm chí còn cao hơn, lên tới 800 đô la Singapore”, Jay Wardle, Chủ tịch của Adara, nói.
Năm nay, một số nước đã tổ chức thành công các sự kiện thể thao quy mô lớn, thu hút du khách từ nhiều nơi trên thế giới, thúc đẩy nền kinh tế của nước chủ nhà. Theo một phân tích của bộ phận nhiên cứu kinh tế của ngân hàng Baroda (Ấn Độ), Giải vô địch bóng gậy nam thế giới của Hội đồng bóng gậy quốc tế ( ICC), tổ chức từ ngày 5-10 đến ngày 19-11, ước tính bổ sung 2,1-2,6 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế Ấn Độ.
Theo truyền thông Trung Quốc, Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 19. diễn ra ở thành phố Hàng Châu từ ngày 23-9 đến ngày 8-10 đã bán được hơn 3 triệu vé, tạo ra doanh thu hơn 610 triệu nhân dân tệ (85 triệu đô la). Doanh thu bán hàng hóa thể thao liên qua đến sự kiện này đạt 107 triệu đô la và thu nhập tài trợ từ 176 công ty mang lại thêm 623 triệu đô la.
Hồi tháng 8, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) Gianni Infantino) tiết lộ, giải World Cup nữ trong năm nay, do Úc và New Zealand đồng tổ chức, tạo ra hơn 570 triệu đô la doanh thu.
Trong tháng 10, Indonesia tổ chức một chặng đấu của Giải Đua xe mô tô Grand Prix, trong khi đó, Pháp là nước chủ nhà của Giải vô địch bóng bầu dục thế giới diễn ra từ tháng 8 đến tháng 9. Các giải đấu tennis trong hệ thống Grand Slam cũng như các cuộc đua Formula One cũng thu hút sự chú ý lớn trên toàn cầu.
Theo Booking, gần một nửa (49%) người hâm mộ bóng chày của Mỹ dự định xem ít nhất một trận thi đấu của Giải vô địch bóng chày Mỹ (MLB) trong năm nay. 61% trong số đó cho biết họ sẽ đi chuyển quãng đường lên tới 800km để dự khán trận thi đấu.
Hồi tháng 3, Booking thông báo đã trở thành đối tác du lịch trực tuyến chính thức của MLB, một thỏa thuận giúp du khách tìm kiếm “các khách sạn nằm liền kề với sân bóng” cho những chuyến đi như vậy.
Trang web đặt chỗ trải nghiệm du lịch GetYourGuide cho biết. số lượt đặt chỗ theo chủ đề thể thao tăng 130% kể từ năm 2019, với hầu hết lượt đặt chỗ đến từ du khách ở Anh (37%), Mỹ (20%), Đức (17%) và Pháp (15%) .
Nhưng một số khách du lịch thể thao giàu có muốn có những trải nghiệm cao cấp hơn. Công ty lữ hành cao cấp AMPM thu phí hàng năm 8.000 đô la cho thành viên tiêu chuẩn và 30.000 đô la cho “thành viên ưu tú”. Với các mức phí cao ngất ngưỡng này, công ty có thể đảm bảo cho các thành viên quyền tham gia các sự kiện lớn như Tuần lễ thời trang New York và Giải quần vợt Mỹ mở rộng.
“Các trải nghiệm thể thao khác mà chúng tôi sắp xếp cho các thành viên bao gồm trải nghiệm đường đua F1, chỗ ngồi sát sân thi đấu của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ”, Laurent Baud, người đồng sáng lập AMPM nói.
GR8, một hãng lữ hàng cao cấp khác của Mỹ, cũng cung cấp những trải nghiệm sang trọng chỉ có một lần trong đời cho du khách. Đại diện GR8 cho biết công ty đang tiếp nhận các yêu cầu của du khách cho sự kiện Thế vận hội Mùa hè 2024 ở Pháp, bao gồm vé vào xem lễ khai mạc, quyền tiếp cận Làng Olympic cũng như các buổi gặp gỡ và chào hỏi với các vận động viên và huấn luyện viên.
Theo CNBC, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn