Trung Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế thương mại nhằm vào hàng hóa của Úc cách đây hơn 2 năm khi quan hệ song phương trải qua sóng gió. Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu của Úc hiện trở nên thận trọng hơn và không muốn mạo hiểm phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một lần nữa.
Hồi đầu năm, khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than luyện thép của Úc, các tàu chở than từ xứ sở chuột túi hầu như không quay trở lại.
Các nhà xuất khẩu than của Úc đã nhanh chóng phát triển các thị trường mới sau khi bị Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm nhập khẩu để đáp trả lời kêu gọi của Úc vào năm 2020 mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19. Nhiều nhà xuất khẩu của Úc chuyển hướng sang Ấn Độ, nơi cần than để cung cấp cho ngành thép đang phát triển. Những mối quan hệ thương mại đó vẫn được duy trì ngay cả khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu than của Úc.
Hôm 4-11, Thủ tướng Úc Anthony Albanese lên đường đến Trung Quốc trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Úc kể từ trước khi quan hệ ngoại giao song phương rạn nứt. Ông Albanese cho biết, thương mại và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông trong các cuộc gặp với giới chức trách Trung Quốc trong chuyến công du kéo dài 4 ngày. Ông dự kiến có cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình vào hôm 6-11 ở Bắc Kinh.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, ông Albanese đã giúp ổn định mối quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế thương mại bao gồm tăng thuế, được áp đặt kể từ hục hặc ngoại giao năm 2020, khiến Úc tổn thất 13 tỉ đô la Mỹ doanh số xuất khẩu hàng hóa và thực phẩm.
Nhưng người đứng đầu chính phủ Úc sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn để phục hồi trao đổi thương mại song phương vì những tổn hại mà các nhà xuất khẩu Úc hứng chịu do chính sách thuế quan của Trung Quốc khó đảo ngược.
Ví dụ, Trung Quốc đang nhập nhiều than luyện thép hơn từ Mông Cổ và Nga. Hơn 37% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Úc hiện hướng tới Trung Quốc, giảm mạnh so với mức cao khoảng 45% vào năm 2021.
Theo các nhà kinh tế, một phần của sự sụt giảm là do sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sau đại dịch. Nhưng họ cũng cho rằng, điều đó có thể phản ánh sự ngần ngại của các nhà xuất khẩu Úc, vốn không muốn đặt cược lớn một lần nữa vào một nước sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế. Bất chấp những cải thiện gần đây trong quan hệ song thương, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra vẫn còn, bao gồm việc Úc mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ.
“Các nhà sản xuất Úc có thể thận trọng một chút trước vì họ không muốn trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc một lần nữa”, Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng của Công ty quản lý đầu tư AMP Capital (Úc), nói.
Đối với một số ngành sản xuất của Úc, việc quay trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường với Bắc Kinh không phải là sự lựa chọn đơn giản, bất chấp quy mô thị trường khổng lồ của nước này cũng như xu hướng các nhà nhập khẩu ở đây trả giá cao cho các sản phẩm của Úc. Trong khi đó, xây dựng chuỗi cung ứng mới ngoài Trung Quốc tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Gần đây, những người trồng bông vải (cotton) của Úc xuất khẩu bông sang Việt Nam với số lượng ngang ngửa bán sang Trung Quốc, vốn là thị trường lớn nhất của họ trước khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với cotton của Úc vào năm 2020.
Sau khi bị áp thuế trừng phạt do quan hệ Trung Quốc-Úc trở nên căng thẳng, nông dân trồng lúa mạch của Úc đã tìm thấy các thị trường mới, bao gồm cả Saudi Arabia. Doanh số bán rượu vang Úc sang Trung Quốc đạt tổng trị giá dưới 5 triệu đô la trong năm qua, so với mức đỉnh điểm là 770 triệu đô la, do mức thuế chống bán phá giá lên đến 218% mà Trung Quốc áp đặt vào năm 2021. Tháng trước, Bắc Kinh cho biết đang xem xét lại mức thuế này.
“Sẽ có một số công ty Úc quay trở lại Trung Quốc và tập trung rất nhiều vào thị trường đó. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã nói với tôi rằng họ sẽ không vội quay lại”, Lee McLean, CEO của Australian Grape & Wine, hiệp hội của ngành trồng nho và sản xuất rượu vang của Úc, nói.
Những người trồng nho ở Úc sẽ trả giá rất đắt nếu quay lưng lại với thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu rượu vang hàng năm của Úc hiện có giá trị khoảng 1,2 tỉ đô la, giảm so với mức 1,9 tỉ đô ka trước khi Bắc Kinh áp thuế phạt.
McLean thừa nhận không có nước nào hay một nhóm thị trường nào có thể thay thế hoạt động kinh doanh đã mất của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết các nhà xuất khẩu rượu vang của Úc đạt được một số thành công trong nỗ lực mở rộng thương mại với Nhật Bản, đặc biệt là rượu vang giá cao. Trong khi đó, doanh số xuất khẩu rượu vang của Úc sang Đông Nam Á cũng đang tăng nhanh.
Đối với một số nhà sản xuất rượu vang của Úc, cú sụp đổ nặng nề trong thương mại với Trung Quốc khiến họ nghĩ lại về việc liệu ngành kinh doanh của họ có nên quá phụ thuộc vào một thị trường hay không.
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất rượu vang cho biết, họ không hề e ngại khi quay trở lại thị trường Trung Quốc. Angove Family Winemakers, được thành lập vào năm 1886, có kho dự trữ rượu vang ghi nhãn tiếng Trung Quốc, đã phải dán nhãn lại để bán cho khách hàng khác sau khi Bắc Kinh áp đặt thuế phạt. Nhưng công ty vẫn kỳ vọng sẽ bán được nhiều rượu sang Trung Quốc hơn trước nếu những mức thuế cao ngất ngưởng đó được dỡ bỏ.
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn