Anh bai Quy dau tu quoc gia lon nhat the gioi

Quỹ hưu trí toàn cầu chính phủ Na Uy (GPFG), cũng là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, thua lỗ kỷ lục 1.640 tỉ crown (164,4 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2022 khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu suy sụp do lạm phát và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Kết quả kinh doanh thảm hại trong năm vừa qua chấm dứt chuỗi lợi nhuận hàng năm kỷ lục hơn 1.000 tỉ crown của quỹ GPFG trong giai đoạn 2019-2021. Lợi tức đầu tư của quỹ trong năm 2022 ở mức âm 14,1%.

Quỹ GPFG, hay còn gọi là quỹ dầu mỏ, đang nắm giữ số tài sản trị giá khoảng 1,3 nghìn tỉ đô la, được thành lập vào thập niên 1990 để đầu tư nguồn thu thặng dư của ngành dầu khí Na Uy. Đến nay, quỹ đã đầu tư vào hơn 9.300 công ty ở 70 nước trên thế giới.

“Thị trường bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở châu Âu, lạm phát cao và lãi suất tăng. Điều này tác động tiêu cực đến cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cùng một lúc…Tất cả các lĩnh vực trên thị trường chứng khoán đều có lợi nhuận âm, ngoại trừ năng lượng. Chúng tôi đầu tư vào hơn 9.000 công ty ở 70 nước trên thế giới, vì vậy, chúng tôi không có chỗ nào để ẩn náu”, Nicolai Tangen, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý đầu tư Ngân hàng trung ương Na Uy (NBIM), đơn vị quản lý quỹ GPFG, nói trong một cuộc họp báo.

Cơn suy sụp của ngành công nghệ tác động nghiêm trọng đến quỹ GPFG. Khoản lỗ lớn nhất của quỹ GPFG trên thị trường chứng khoán trong năm ngoái đến từ mức giảm 56 tỉ crown giá trị của lượng cổ phần mà quỹ nắm giữ tại Amazon.com. Khoản lỗ lớn tiếp theo là 52 tỉ crown ở cổ phần nắm giữ tại Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook và 47 tỉ crown với cổ phần nắm giữ tại Tesla.

Khoản lỗ lớn nhất trước đây của quỹ GPFG là 633 tỉ crown năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trond Grande, phó giám đốc điều hành của NBIM nói:  “Quỹ GPFG đầu tư tư dài hạn , vì vậy chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho những tổn thất ngắn hạn. Chúng tôi có thể chịu đựng thua lỗ ngắn hạn để gắn bó với chiến lược mang lại lợi nhuận cao nhất có thể trong dài hạn”.

Bất chấp khoản lỗ kỷ lục trong năm ngoái, tổng giá trị của quỹ đã tăng 89 tỉ crown, tương đương 8,9 tỉ đô la trong năm ngoái, một phần do đồng crown suy yếu và dòng tiền rót vào kỷ lục 1,1 nghìn tỉ crown, cao gần gấp ba lần kỷ lục trước đó, 386 tỉ crown được thiết lập vào năm 2008.

Dòng tiền này đến từ doanh thu dầu khí thặng dư của chính phủ Na Uy. Là nước xuất khẩu dầu thô lớn của thế giới và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu sau khi Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt sang khu vực này, Na Uy được hưởng lợi nhờ giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tangen nói: “Khi giá dầu và khí đốt cao hơn, chính phủ (Na Uy) sẽ có nhiều doanh thu hơn và nhiều dòng tiền hơn sẽ đổ vào quỹ GPFG”.

Quỹ này cũng đầu tư vào trái phiếu, bất động sản chưa niêm yết và các dự án năng lượng tái tạo.

Nhìn về tương lai, Tangen cho biết lạm phát sẽ tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại.

Ông nói với Reuters: “Lạm phát vẫn là một yếu tố rủi ro và đặc biệt sẽ phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, điều có thể đẩy giá cả tăng lên rất nhiều trên toàn cầu. Và tất nhiên, chúng ta vẫn còn những điểm nóng địa chính trị”.

Trước đây, Tangen đã nhiều cảnh báo về khả năng lợi nhuận của quỹ GPFG  chỉ ở mức thấp hoặc âm trong thập niên tới khi kỷ nguyên lãi suất zero và lạm phát thấp kết thúc đột ngột.

Trữ lượng dầu khí khổng lồ ở Biển Bắc của Na Uy là nền tảng cho sự giàu có của quỹ GPFG. Doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Na Uy tăng vọt trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine đã châm ngòi một cuộc tranh luận sôi nổi về công lý quốc tế.

Các nhà lập pháp đối lập, các nhà kinh tế nổi tiếng ở Na Uy và thậm chí cả những công ty lớn trong ngành năng lượng của đất nước đã kêu gọi chính phủ làm gương cho thế giới bằng cách bơm lợi nhuận dầu mỏ bội thu của mình vào một quỹ đoàn kết quốc tế mới.

Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết chính phủ Na Uy hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm liên quan đến các nguồn năng lượng của mình.

Theo Reuters, Financial Times

Scroll to Top