Screenshot 2023 10 25 091956

Tối ngày 23/10/2023 vừa qua, Webinar với chủ đề “CÁC HÌNH THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI THƯỜNG GẶP” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của chuyên gia PGS.TS Hồ Thúy Ngọc – Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương cùng hơn 50 Anh/Chị là các doanh nghiệp, giảng viên các trường đại học, cơ quan báo chí trên cả nước.

Chuyên gia góp mặt trong webinar lần này là PGS. TS Hồ Thúy Ngọc – Trưởng bộ môn Pháp luật Thương mại quốc tế, Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Ngoại Thương. Bà đồng thời là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam từ năm 2011. Với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu trong các lĩnh vực hợp đồng và sở hữu trí tuệ, 10 năm tư vấn cho doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp quốc tế liên quan tới đầu tư, mua bán hàng hóa và sở hữu trí tuệ, bà trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế về thương mại ngũ cốc và thức ăn gia súc với trụ sở chính tại London (Vương quốc Anh) đầu năm 2021.

Mở đầu webinar, chuyên gia đưa ra giải thích về khái niệm “Tranh chấp thương mại là gì”. Tại đây bà cho biết, “tranh chấp thương mại” là xung đột giữa các bên về quyền và lợi ích hợp pháp trong các hoạt động thương mại. Nhờ việc làm rõ được khái niệm này, quý doanh nghiệp tham dự chương trình đã có nền tảng để bước vào nội dung tiếp theo mà chuyên gia mang đến. Đó chính là 4 loại hình giải quyết tranh chấp thương mại thường gặp gồm có: Thương lượng trực tiếp, Tòa án, Trọng tài thương mại, Hòa giải thương mại. Ở nội dung của mỗi loại hình này, bà Hồ Thúy Ngọc giải thích rõ về định nghĩa, quy trình áp dụng và cách phân biệt với các hình thức khác.

Đối với giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài, bà đã chia sẻ cho khán giả về ví dụ cụ thể của quy trình xử lý tại VIAC – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Đồng thời, qua các câu hỏi thực tế và tương tác với người tham dự, chuyên gia cũng đã làm rõ hơn được các nội dung liên quan đến trọng tài thương. Bà nhấn mạnh về các điều luật liên quan đến Trọng tài thương mại gồm có Thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài, Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài, Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng,… Đại diện các doanh nghiệp tham dự hôm nay cũng nắm được các căn cứ để hủy bỏ phán quyết trọng tài.

Về phần Hòa giải thương mại, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc đã trình bày chi tiết về từng bước trong quy trình hòa giải kèm theo các lưu ý quan trọng trong quá trình thực hiện hòa giải tranh chấp thương mại. Bà đặc biệt chú thích thêm về các hành vi không được cho phép khi hai bên đang trong quá trình hòa giải để các khách mời có mặt tại webinar nắm chắc nhằm tránh được các bất lợi cũng như giữ được sự công bằng cho doanh nghiệp mình.

Hình ảnh trong buổi Webinar tháng 10
Hình ảnh trong buổi Webinar tháng 10

Sau phần chia sẻ kiến thức, khách tham dự chương trình còn có thêm góc nhìn về hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại nhờ phần trao đổi và giải đáp thắc mắc cùng chuyên gia. Trong phần này, Ban tổ chức và chuyên gia đã nhận được rất nhiều câu hỏi đến từ các doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực khác nhau như xuất nhập khẩu, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử… Một số câu hỏi thú vị được chuyên gia giải đáp như sau:

Hoạt động nào được coi là tiếp xúc gặp gỡ giữa trọng tài viên với đương đơn? Bằng chứng được coi là hành vi tiếp xúc gặp gỡ?

Trả lời:

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật cụ có quy định rõ ràng về việc hạn chế hoặc cấm tiếp xúc gặp gỡ giữa trọng tài viên và đương đơn để đảm bảo tính công bằng và độc lập của quá trình thẩm định và xét xử. Trong trường hợp này, việc tiếp xúc gặp gỡ có thể bị coi là vi phạm quy định và có thể dẫn đến hậu quả pháp lý.

Bằng chứng được coi là hành vi tiếp xúc gặp gỡ có thể bao gồm các cuộc gặp mặt, cuộc trò chuyện, trao đổi thư từ, tin nhắn điện thoại, hoặc bất kỳ hình thức giao tiếp nào khác giữa trọng tài viên và đương đơn ngoài phạm vi công khai và chính thức của quá trình thẩm định và xét xử. Bằng chứng này có thể được sử dụng để chứng minh sự ảnh hưởng, thiên vị, hoặc vi phạm quy định trong quá trình thẩm định và xét xử, và có thể ảnh hưởng đến tính công bằng và độc lập của quyết định cuối cùng.

Em được biết tòa án có thể có án lệ, vậy trọng tài có thể tạo ra án lệ như thẩm phán không ạ?

Trả lời:

Trọng tài trong quy trình trọng tài có thể tạo ra quyết định có tính chất tương tự án lệ như một thẩm phán trong một tòa án. Tuy nhiên, cách thức và quy trình trọng tài khác biệt so với hệ thống tòa án truyền thống. Bởi vì trọng tài là một bên thứ ba không phải là thẩm phán độc lập và không thuộc tòa án. Quy trình trọng tài thường có quy tắc và quy định cụ thể để đảm bảo công bằng và tuân thủ các nguyên tắc căn bản của công lý. Trọng tài phải tuân thủ các quy tắc này và đưa ra quyết định dựa trên các bằng chứng và luật phù hợp. Đồng thời hoạt động xử lý tranh chấp tại trung tâm trọng tài là hoạt động không công khai, còn xét xử tại tòa án là công khai. Các trường hợp được giải quyết tại trung tâm trọng tài đi kèm với các yếu tố về quy định bảo mật kinh doanh nên sẽ không tạo ra án lệ. Tùy theo quy định và nguyên tắc của trung tâm trọng tài, những trường hợp giải quyết tranh chấp có thể sẽ được viết thành sách hoặc tài liệu tham khảo.

Hy vọng rằng, thông qua buổi webinar do Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức vừa rồi, quý Anh/Chị đã có thêm những kiến thức quý báu, hữu ích. Đừng quên theo dõi ieit.vn để cập nhật thông tin sự kiện hấp dẫn hàng tháng nhé!

Scroll to Top