Dien gio xa bo

Cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo toàn cầu giảm 20% trong hai tháng qua do tác động của làn sóng tăng lãi suất ở thế giới phương Tây. Cổ phiếu của một số nhà sản xuất tuốc bin gió và điện gió xa bờ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do họ đã ký kết các hợp đồng với mức giá bất lợi.

Cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo bị bán tháo mạnh trong những tháng gần đây khi lĩnh vực này chật vật chống chọi với tác động của lãi suất cao hơn và các hợp đồng đã ký kết với mức giá bất lợi.

Chỉ số Năng lượng sạch toàn cầu S&P, theo dõi cổ phiếu của 100 công ty lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các hoạt động kinh doanh liên quan đến năng lượng tái tạo khác, giảm 20,2% trong hai tháng qua. Chỉ số số này đang có hiệu suất hàng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2013. Ngược lại, Chỉ số năng lượng S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ, thiên về cổ phiếu của nhà sản xuất dầu và khí đốt, tăng thêm 6% trong cùng kỳ.

Cổ phiếu năng lượng tái tạo bị bán mạnh bất chấp các chính phủ ở Mỹ và châu Âu đang cung cấp cho các công ty năng lượng xanh hàng chục tỉ đô la tín dụng thuế, trợ cấp và các khoản vay. Diễn biến này cho thấy rõ rằng, nguồn tài chính của ngành năng lượng tái tạo đang bị siết chặt như thế nào.

Nhiều công ty sản xuất năng lượng tái tạo đã ký kết các hợp đồng cung cấp điện dài hạn, với mức giá cố định mà họ sẽ bán trong tương lai trước khi phát triển các dự án. Giờ đây, họ bị ảnh hưởng nặng nề khi chi phí tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao khiến chi phí cho các khoản nợ lớn của họ trở nên đắt đỏ hơn.

“Có một đám mây đen che phủ các cổ phiếu xanh. Hai năm trước, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong các cam kết đưa phát thải carbon ròng về mức zero. Điều này mang lại rất nhiều cơ hội đầu tư. Nhưng rồi sau đó, chúng ta đối mặt làn sóng lạm phát và các công ty năng lượng tái tạo đã chốt giá bán điện cố định trong các hợp đồng dài hạn sẽ dễ gặp rủi ro”, Martin Frandsen, nhà quản lý danh mục đầu tư của Premier Asset Management, bình luận.

Cổ phiếu năng lượng mặt trời và tuốc bin gió nằm trong số những cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hồi tháng 7, nhà phát triển tuốc bin gió Vattenfall của Thụy Điển, cho biết biết chi phí đã tăng 40%. Cổ phiếu của nhà sản xuất tuốc bin gió CS Wind ở Hàn Quốc giảm giá 28% kể từ đầu tháng 8. Tuần trước, nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời NextEra Energy (Mỹ) thông báo cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong ba năm tới.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và lãi suất cao hơn rõ ràng ảnh hưởng đến nguồn tài chính cần thiết để tăng mức chia cổ tức hàng năm cho các cổ đông lên mức 12%”, CEO John Ketchum của NextEra giải thích.

Chi phí cao cũng khiến nhà sản xuất tuốc bin gió Vestas của Đan Mạch lỗ 130 triệu euro trong quí 2.

Các khoản tín dụng thuế thấp hơn kỳ vọng và tình trạng đình trệ ở các dự án điện gió lớn ở Mỹ khiến hoạt động kinh doanh của nhà phát triển điện gió Ørsted của Đan Mạch trở nên khó khăn hơn. Giá cổ phiếu của công ty này giảm khoảng 30% kể từ cuối tháng 8. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS ước tính rằng, sự nhạy cảm với lãi suất cao hơn có thể khiến Ørsted phải tốn kém 709 triệu đến 1,42 tỉ đô la Mỹ.

Một số nhà đầu tư nhận định mô hình kinh doanh của các công ty năng lượng tái tạo không phù hợp với môi trường lạm phát và lãi suất cao trên thế giới.

“Điều quan trọng nhất là rất nhiều công ty trong số này thất vọng về khả năng sinh lời của họ. Để hỗ trợ tăng trưởng nhanh chóng, họ cần tiếp tục vay nợ hoặc phát hành vốn cổ phiếu mới. Trong môi trường lãi suất bằng zero, công thức này có hiệu quả. Trong một môi trường lãi suất, nó sẽ sụp đổ”, David Souccar, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Vontobel Asset Management, nhận định.

Renaud Saleur, người sáng lập kiêm CEO của Anaconda Invest đã bán khống cổ phiếu của Ørsted và Vestas. Bán khống là hình thức vay cổ phiếu để bán sau đó mua lại với giá thấp hơn để trả và kiếm lời từ phần chênh lệch.

“Toàn bộ chuỗi giá trị đang gặp khó khăn. Các hợp đồng được ký kết trong lĩnh vực điện gió xa bờ sẽ thua lỗ nặng nề trong thời gian dài cho đến khi các chính phủ nhận ra rằng họ cần đầu tư 80-100 đô la Mỹ cho mỗi MWh điện gió xa bờ, chứ không phải 30-40 đô la như hiện nay”, Saleur nói.

Tháng trước, các nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời ở châu Âu cũng cảnh báo hàng loạt sản phẩm thay thế giá rẻ của Trung Quốc đang khiến các công ty trong khu vực bị loại khỏi thị trường. Theo Fiona Manning, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi của Premier Miton, sự mất cân đối lớn về cung-cầu trong lĩnh vực mô-đun năng lượng mặt trời tăng mạnh trong khoảng một năm qua.

Các nhà sản xuất ở Trung Quốc, nước thống trị chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, cũng đang chịu tổn thất nặng nề sau khi cổ phiếu họ trải qua đợt bán tháo năm nay trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Kể từ tháng 1, cổ phiếu của Sungrow Power Supply, JA Solar Technology và Risen Energy lần lượt giảm giá khoảng 32%, 33% và 44%.

Theo Công ty Tài chính năng lượng mới Bloomberg, nhóm cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực sản xuất tấm pin mặt trời toàn cầu đang giao dịch với tỷ lệ giá trị doanh nghiệp / thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EV/EBITDA) khoảng 9 lần. Tỷ lệ này giảm so với 16 lần cách đây một năm

Tuy nhiên, Renaud Saleur, CEO của Anaconda Invest, cho biết ông không còn bán khống các công ty năng lượng mặt trời nữa và đã mua vào một số cổ phiếu trong lĩnh vực này. “Chúng tôi tin rằng phần lớn sự sụp đổ giá trị của cổ phiếu ngành này đã kết thúc”, ông nói.

Theo Financial Times

Scroll to Top