Bước đột phá của Ant Group vào lĩnh vực LLM nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các Big Tech của Trung Quốc nhằm giúp đất nước thu hẹp khoảng cách với phương Tây trong việc xây dựng các dịch vụ AI…
Ant Group đã ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng mình – công nghệ được sử dụng để đào tạo các chatbot như ChatGPT – và thương hiệu Web3 mới nhắm đến thị trường Hồng Kông và nước ngoài, khi gã khổng lồ công nghệ tài chính Trung Quốc tăng cường khả năng về trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AI) cho ngành dịch vụ tài chính.
Cuối tuần trước, Ant Group, công ty do Jack Ma hậu thuẫn, đã tiết lộ mô hình AI “the Financial LLM” tự phát triển tại sự kiện “Hội nghị hòa nhập trên Bến Thượng Hải”, cùng hai ứng dụng mới có tên Zhixiaobao 2.0, trợ lý tài chính thông minh cho người tiêu dùng và Zhixiaozhu 1.0, trợ lý kinh doanh thông minh phục vụ các chuyên gia trong ngành tài chính.
Phó chủ tịch Ant Wang Xiaohang chia sẻ tại hội nghị: “Chúng tôi đã xây dựng năng lực tính toán (computing power) ở mức 10.000 đơn vị xử lý đồ họa GPU. Trên cơ sở này, toàn bộ hoạt động kinh doanh tài chính của Ant đã nhanh chóng chuyển sang mô hình LLM”.
HAI ỨNG DỤNG MỚI: ZHIXIAOBAO 2.0 VÀ ZHIXIAOZHU 1.0
Mô hình ngôn ngữ lớn của tập đoàn Ant Group hiện đang trong quá trình thử nghiệm khép kín trên nền tảng quản lý tài sản và bảo hiểm, đồng thời đã được tích hợp vào các dịch vụ thông minh khác nhau.
Với việc tích hợp công nghệ LLM, trợ lý tài chính thông minh Zhixiaobao 2.0 có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người tiêu dùng, bao gồm phân tích thị trường, chẩn đoán danh mục đầu tư, đề xuất phân bổ tài sản và giáo dục nhà đầu tư.
Trong khi đó, trợ lý kinh doanh thông minh, Zhixiaozhu 1.0, có thể được điều chỉnh để trợ giúp nhiều chuyên gia tài chính khác nhau như cố vấn đầu tư, cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các nhiệm vụ như phân tích đầu tư, trích xuất thông tin, tạo nội dung và sử dụng các công cụ tài chính.
Theo công ty, Zhixiaobao đã nâng cấp sẽ có sẵn cho người dùng khi nhận được sự chấp thuận theo quy định, trong khi Zhixiaozhu đang trải qua các thử nghiệm kín bổ sung của Ant và các đối tác trong ngành.
Sự thâm nhập của Ant vào lĩnh vực LLM nhấn mạnh sự gia tăng cạnh tranh giữa các công ty Big Tech của Trung Quốc nhằm giúp nước này thu hẹp khoảng cách với phương Tây trong việc phát triển các dịch vụ đổi mới giống như ChatGPT.
Ant Group đã tích hợp AI một cách nhất quán vào bộ dịch vụ của họ, đảm bảo người dùng Alipay nhận được các đề xuất riêng. Mô hình AI mới nhất của tập đoàn thể hiện tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, nhắm đến phạm vi rộng hơn là các tổ chức tài chính và bảo hiểm.
Khi tầm quan trọng của AI trong lĩnh vực tài chính tăng lên, những đổi mới của Ant Group có thể dẫn đến các tiêu chuẩn mới. Khát vọng “thiết lập một nền tảng AI toàn diện” của họ cho thấy tầm nhìn xa về một bối cảnh tài chính được tối ưu hóa và tích hợp liền mạch.
Bất chấp chi phí khổng lồ phát sinh từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán quy mô lớn cần thiết để đào tạo và phát triển các ứng dụng AI mới, các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Huawei Technologies, Tencent Holdings và Alibaba đã triển khai LLM tương ứng của họ để thúc đẩy việc áp dụng trên nhiều ngành khác nhau.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ant Group, Eric Jing Xiandong phát biểu tại hội nghị cuối tuần trước rằng sự trỗi dậy của LLM “sẽ định hình lại nhiều hoạt động kinh doanh”.
THƯƠNG HIỆU WEB3 MỚI
Cũng tại hội nghị ở Thượng Hải, Ant ra mắt thương hiệu Web3 mới có tên ZAN, nhắm đến Hồng Kông và các thị trường nước ngoài khác. Hoạt động mới này do Zhang Hui, cựu giám đốc công nghệ của AntChain đứng đầu, sẽ cung cấp một bộ dịch vụ phát triển ứng dụng blockchain đầy đủ cho cả nhà phát triển Web3 và cá nhân. Zhang cho biết ZAN sẽ nhắm đến các nhà phát triển cần các sản phẩm bảo mật.
Ant, tập đoàn vốn đã chuyển hướng sang công nghệ cứng sau khi chịu sự giám sát của cơ quan quản lý vào cuối năm 2020, đã tăng gấp đôi công nghệ Web3 thông qua AntChain, một đơn vị tập trung vào blockchain, Internet of Things, phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro thông minh.
Vào tháng 4, AntChain đã công bố một loạt sáng kiến Web3 mới, bao gồm một dự án nguồn mở sử dụng công nghệ chuỗi chéo của công ty và một dự án nghiên cứu Web3 có tên AntChain OpenLab.
Zhang của Ant cho biết: “Ant tin tưởng chắc chắn rằng các dịch vụ kỹ thuật là chỗ đứng vững chắc của chúng tôi trong ngành Web3. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong quá trình phát triển ngành Web3”.
Trong khi Trung Quốc đại lục đã cấm tiền điện tử và thực hiện cách tiếp cận thận trọng với Web3, thì Hồng Kông lại tích cực thúc đẩy khái niệm này để đánh bóng ngành fintech của mình. Đầu năm nay, Paul Chan Mo-po, Bộ trưởng Tài chính thành phố, đã dành 50 triệu đô la Hồng Kông trong ngân sách 2023-24 để tăng tốc độ phát triển hệ sinh thái Web3. Vào tháng 4, Hồng Kông đã đồng ý hợp tác với chính quyền thành phố Hàng Châu trong các lĩnh vực từ đổi mới công nghệ đến Web3.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam