Khi áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần có những tư duy và hiểu biết nhất định về các lĩnh vực cần triển khai để không bị “lạc” giữa các “ma trận” của các công cụ và ứng dụng mới…
Chia sẻ tại Hội thảo xu hướng với chủ đề “Chân trời số: Tiềm năng kinh doanh không biên giới” do Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức mới đây, ông Lê Công Thành – CEO InfoRe Technology cho biết, doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều công cụ AI mới và sẵn sàng xử lý dữ liệu dễ dàng, như Chat GPT, Midjourney và một loạt các công cụ xử lý giọng nói khác.
HIỂU ĐƯỢC BẢN CHẤT CỦA DỮ LIỆU VÀ AI
“Nếu nhìn vào một website bất kỳ, chúng ta sẽ thấy có 3 yếu tố dữ liệu chính: hình ảnh, văn bản, âm thanh. Một video clip cũng chỉ là một loạt các hình ảnh liên tục nhau, được đồng bộ hoá với âm thanh. Bản chất của hệ thống trí tuệ nhân tạo là đưa dữ liệu vào để xử lý và làm sao để cho ra được một kết quả có ý nghĩa với mình”, ông Thành lý giải.
Theo ông Thành, Chat GPT là một công cụ cực kỳ tuyệt vời để các nhân sự trong doanh nghiệp có thể xử lý công việc một cách dễ dàng. Công cụ này giúp phân tích được rất nhiều thứ mà người ta gọi là tích hợp “data driven” (điều hướng bởi AI).
Ví dụ như trong ngành marketing, Chat GPT hay Midjourney có thể giúp người dùng kinh doanh xuyên biên giới một cách dễ dàng. “Đơn cử, người dùng ngồi ở Việt Nam có thể dùng các công cụ này để tạo ra các bài đăng bằng tiếng Pháp, sau đó chạy quảng cáo hiển thị với khách hàng ở Paris chẳng hạn. Nếu ai đang quan tâm đến việc ứng dụng AI vào doanh nghiệp của mình thì hãy sắm ngay một tài khoản Chat GPT”, ông Thành nhấn mạnh.
Một trong những lĩnh vực tiềm năng ứng dụng AI mà doanh nghiệp có thể bắt đầu ngay hôm nay đó là phân tích dự đoán (predictive analytics), theo ông David Lapetina, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Kyanon Digital. “Hầu hết các doanh nghiệp đều có những kho dữ liệu có sẵn. Đầu tư phát triển mảng phân tích dự đoán có thể giúp mang lại tỷ suất hoàn vốn (ROI) một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là lĩnh vực giúp sẽ định hướng chiến lược dữ liệu AI và giúp doanh nghiệp chuyển dịch thành tổ chức ra quyết định dựa trên dữ liệu”, ông David chia sẻ.
XỬ LÝ DỮ LIỆU SAI LỆCH BẰNG CÁCH NÀO?
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng phần mềm AI cho doanh nghiệp, dữ liệu hoàn toàn có thể bị sai lệch hay tiềm ẩn rủi ro đạo đức. Vậy làm thế nào để phát hiện và giảm thiểu những vấn đề này trong quá trình cung cấp dữ liệu cho hệ thống AI? Giám đốc Kỹ thuật của Kyanon Digital cho biết, dữ liệu được thu thập có thể phân thành 2 loại: Dữ liệu có cấu trúc và Dữ liệu phi cấu trúc.
Dữ liệu có cấu trúc là dữ liệu được tổ chức và quản lý bởi một hệ thống tiêu chuẩn. Ngoài ra, dữ liệu có cấu trúc thường ít khi bị gán các vấn đề về đạo đức, chẳng hạn như, dù thích hay không thích thì dữ liệu về những con số trong ngân hàng là không thể bàn cãi.
Trong khi đó, dữ liệu phi cấu trúc là tập hợp các dữ liệu phức tạp, khó nhận biết, chưa được sắp xếp và tổ chức theo đúng trình tự có sẵn. Chúng thường ở dưới dạng văn bản, hình ảnh và âm thanh. “Sắp xếp những dữ liệu này vốn đã khó với con người thế nên chắc chắn việc đào tạo AI xử lý những dữ liệu cũng sẽ là thách thức”, ông David cho biết.
Ngay bản thân Open AI đã phải sử dụng hàng trăm nhân sự để lọc dữ liệu và phản hồi cho công cụ ChatGPT nhằm đạt những kết quả mong muốn. “Đó là lý do tại sao số lượng các mô hình AI làm sạch và lọc dữ liệu ngày càng tăng. Trên thế giới, một số tổ chức cũng đã phát triển các hệ thống như vậy, khi có 2 AI phản hồi lẫn nhau để xây dựng hệ thống đào tạo tự hành”, ông David nói.
Để doanh nghiệp có thể hiểu và cập nhật liên tục được xu hướng mới, dù là trí tuệ nhân tạo, blockchain hay metaverse, đáp án chính là thông qua áp dụng đổi mới sáng tạo mở, từ đó doanh nghiệp có thể áp dụng những xu hướng mới của công nghệ giữa “ma trận” thông tin và các ứng dụng được phát triển mỗi ngày một cách hiệu quả nhất, theo bà Nguyễn Hương Quỳnh – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành BambuUP.
Chuyển đổi số và gia tăng hàm lượng công nghệ trở thành 1 trong 4 ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp trên thế giới đã, đang và cần tập trung trong năm 2023 và những năm tiếp sau nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung. “Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra hiệu quả, doanh nghiệp cần phải được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực, tư duy và đặc biệt là phải có nhận thức nhạy bén, cập nhật về những xu hướng và yêu cầu mới của thị trường”, bà Quỳnh chia sẻ.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam