Theo hãng Reuters đưa tin – vào ngày 30/11, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ – Jerome Powell tuyên bố đã đến lúc để kìm hãm tốc độ tăng lãi suất, đồng thời cũng báo hiệu về một sự điều chỉnh kinh tế kéo dài tại thị trường có chi phí vốn vay vẫn duy trì ở mức cao, lạm phát giảm chậm và thiếu hụt lao động trầm trọng.
Hai tuần trước buổi họp tiếp theo với Ngân hàng Trung ương, Powell đã tham dự phiên họp kéo dài một giờ đồng hồ để tiếp nhận các nhận xét và câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn tại viện Brookings. Trong phiên họp này, Powell đưa ra một thông điệp ngắn nhưng đủ để khiến cho thị trường tăng vọt: Fed đang “chậm lại” sau những lần tăng lãi suất chóng mặt với mức ¾ điểm phần trăm đã được công bố từ tháng 6 và sẽ hướng tới mức lãi suất cao nhất nhằm giảm lạm phát xuống còn 2% theo mục tiêu của Fed.
Bên cạnh đó ông còn đề ra các bước chuyển dịch trong dài hạn có thể đang diễn ra, cụ thể là trong nguồn cung lao động. Những bước chuyển dịch này có thể dự báo trước 1 thời kỳ dài lãi suất và lạm phát tăng cao (những yếu tố thường phản ứng chậm với chính sách thắt chặt của Fed). Cùng thời điểm đó, ông bác bỏ ý kiến cho rằng ngân hàng trung ương đang quá tập trung vào việc làm bình ổn mức lạm phát cao nhất trong 40 năm đến mức khiến các nhà hoạch định chính sách sẽ “đánh sập” nền kinh tế khi nỗ lực thực hiện chính sách trên, ông khẳng định rằng các chính sách mềm mỏng hoàn toàn khả thi với việc kiểm soát lạm phát mà không dẫn đến sự tăng vọt trong tỷ lệ thất nghiệp.
“Chúng tôi không có ý định khiến nền kinh tế sụp đổ và thu dọn tàn tích sau đó”, tuyên bố bởi Powell, cùng với các nhà hoạch định chính sách, với hy vọng sẽ không quá thắt chặt các chính sách kinh tế vì việc giảm lãi suất không phải ý định trước mắt của họ. Đó cũng là lý do tại sao họ đang chậm lại và tìm cách xác định mức độ phù hợp giúp giảm lạm phát trong dài hạn.
Kết hợp với những nhận xét đáng chú ý đã nêu cho thấy Fed đang phải vật lộn với những xu thế dài hạn đã và đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, trong đó tiêu biểu là những vấn đề liên quan đến nhân khẩu học như dân số già, hưu trí thời kỳ COVID-19 và số lượng người nhập cư giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lao động. Powell cho rằng nguồn cung lao động sẽ không thể phục hồi sớm, đồng thời phải nhìn nhận thị trường lao động cần được đưa về trạng thái cân bằng chủ yếu bởi những quyết sách của Fed mà có thể làm giảm nhu cầu việc làm, ví dụ như giảm vị trí tuyển dụng, hay như một số lo ngại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Từ làn sóng nghỉ hưu của những người thuộc thời kỳ già hoá dân số, số lượng người nhập cư giảm, tỷ lệ sinh nở thấp và đại dịch COVID-19 – Sự kết hợp giữa nhiều yếu tố đang góp phần gây ra tình trạng khan hiếm lao động. Điều đó đưa các nhà tuyển dụng tới xu hướng đẩy mức lương cao lên để có thể cạnh tranh trong thời kỳ nguồn cung nhân sự bị thu hẹp. Theo Powell, nhằm đạt được mục tiêu đưa lạm phát trở lại với mức 2% , cần điều chỉnh cho nguồn cung và cầu lao động trở về trạng thái cân bằng để kiềm chế đà tăng tiền lương và lạm phát dịch vụ. Để làm được điều đó, chỉ có cách làm chậm tốc độ tăng trưởng việc làm thay vì khiến cho mọi người mất việc, hay nói cách khác là làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Nhận xét của Powell về đợt giảm tốc độ trong việc tăng lãi suất sắp tới đã tạo đà cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường cổ phiếu và trái phiếu sau những lần chao đảo do chịu tác động lớn do Fed tăng lãi suất.
Trên các thị trường tương lai, các nhà giao dịch đã có một màn đặt cược rất phổ biến rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp sau 2 tuần nữa.
“Không thể cứ tăng lãi suất một cách chóng mặt như cách họ đang làm được” – Rick Meckler thuộc Công ty Đầu tư Cherry Lane Investments tại New Vernon, New Jersey nhận xét, ông còn cho rằng: “Các nhà đầu tư sẽ rất hưng phấn khi nghe được điều đó trực tiếp từ chủ tịch của Fed.”
Tuy nhiên, mặc dù giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng Powell cho rằng vẫn còn tồn tại câu hỏi mở: “Chúng ta sẽ phải tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa để có thể kiểm soát được lạm phát, và cần bao nhiêu lâu để duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt”. Trong khi người đứng đầu Fed không cho biết mức lãi suất cuối cùng mà ông ấy ước tính, Powell nói rằng khả năng nó sẽ nằm ở mức “đâu đó cao hơn” 4,6% – con số được đưa ra bởi các nhà hoạch định chính sách trong dự án của họ vào tháng 9. Ông nói rằng việc xử lý lạm phát đôi khi sẽ cần các chính sách thắt chặt phải được duy trì trong một khoảng thời gian – một bình luận dựa vào kỳ vọng của thị trường rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm sau do sự chậm lại nền kinh tế.
“Mặc dù có nhiều sự phát triển đầy hứa hẹn, chúng ta vẫn còn 1 chặng đường dài phải đi để bình ổn giá cả” – Powell cho biết – “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai theo hướng đã đề ra cho đến khi đạt được mục tiêu.”
Lê Thị Hải Yến (theo Reuters)