Các nhà phân tích cho rằng cơ trần giá trần có thể phản tác dụng nếu những khách hàng mua dầu chủ chốt hiện tại của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia…

Tại Hội nghị và Triển lãm Gastech 2022 diễn ra ở Milan, Italy ngày 5/9, khi được hỏi liệu Ấn Độ có tham gia áp đặt giá trần với dầu Nga hay không, Bộ trưởng Bộ Dầu khí Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri nói rằng New Delhi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc này.

“Vẫn còn rất nhiều nội dung đang được thảo luận do liên quan nhiều yếu tố”, ông Puri nói với CNBC tại sự kiện. “Đề xuất đó (áp trần giá dầu Nga) sẽ mang lại ý nghĩa gì? Chúng tôi sẽ xem xét kỹ việc này”.

Theo ông, nền kinh tế thế giới vẫn đang điều chỉnh trước những tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Ông cũng nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ tham gia cơ chế giá trần này và những tác động có thể xảy ra với thị trường năng lượng toàn cầu.

Các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) hôm thứ Sáu (2/9) đã thống nhất quyết định áp giá trần đối với dầu Nga nhằm ngăn chặn nguồn thu của Moscow dành cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu, tránh được việc đẩy giá giá dầu leo thang cao hơn.

Chi tiết về cơ chế này, bao gồm mức giá trần cụ thể, sẽ được quyết định sau \”dựa trên một loạt yếu tố đầu vào kỹ thuật\” được thống nhất bởi liên minh các nước tham gia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng tỏ ra hoài nghi về tính toàn vẹn của đề xuất trên và cảnh báo rằng chính sách này có thể phản tác dụng nếu những khách hàng mua dầu chủ chốt hiện tại của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, Trung Quốc và Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu từ Nga để tranh thủ giá rẻ so với giá thị trường.

Ông Puri cho biết Ấn Độ tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và phần lớn là dầu nhập khẩu từ Iraq, Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

“Tính tới cuối tháng 3 năm nay, Nga chỉ chiếm khoảng 0,2% dầu nhập khẩu của Ấn Độ”, ông nói và cho biết một nước đã chỉ trích Ấn Độ vì tăng mua đầu Nga sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra. “Tôi phải nói rằng, người châu Âu mua dầu Nga trong một buổi chiều nhiều hơn chúng tôi nhập khẩu trong cả quý. Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, nhưng cũng sẽ mua từ bất kỳ nước nào”.

Khi được hỏi liệu có xung đột về đạo đức giữa việc nhập khẩu dầu Nga giữa lúc điện Kremlin tấn công Ukraine hay không, ông Puri khẳng định: “Hoàn toàn không có xung đột. Chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức đối với người tiêu dùng của nước mình”.

“Liệu một chính phủ có muốn rơi vào tình huống mà các trạm xăng cạn kiệt nguồn cung không? Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra tại các quốc gia xung quanh Ấn Độ”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ tham gia cùng G7 vào sáng kiến trần giá dầu trên để giảm lợi nhuận mà Nga kiếm được từ việc xuất khẩu dầu mỏ.

Ủy viên phụ trách Năng lượng của EU, bà Kadri Simson, hôm 3/9 nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ “sẵn lòng mua các sản phẩm dầu của Nga và tự bào chữa rằng việc này quan trọng với an ninh nguồn cung của nước mình. Tuy nhiên, việc tạo cho Nga một nguồn thu dồi dào là không công bằng”.

“Bởi vậy, việc đưa ra một trần giá cũng là cách để mang lại cho những nước mua dầu Nga mà chưa gia nhập việc trừng phạt Nga một cơ hội để mua dầu ở mức giá công bằng hơn, một mức giá không bị đội lên bởi nhân tố chiến tranh”, bà Simson nói.

Tuần trước, Mỹ nói đã có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Ấn Độ về vấn đề này. Trung Quốc hồi tháng 7 nói áp trần giá lên dầu Nga là “một vấn đề rất phức tạp”.

Hiện chưa rõ G7, gồm Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Italy, Anh và Nhật Bản, sẽ thực thi cơ chế trần giá dầu của mình như thế nào. Các chi tiết dự kiến sẽ được hoàn thiện trước ngày 5/12 – thời các biện pháp trừng phạt của EU đối với hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển có hiệu lực.

Trong khi đó, Moscow ngày 5/9 tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa với kế hoạch này và cho biết sẽ ngừng bán dầu cho các nước tham gia áp giá trần với dầu Nga.

Và sau khi G7 đưa ra tuyên bố đã nhất trí kế hoạch áp trần giá lên dầu Nga, hãng năng lượng quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố chưa thể nối lại dòng chảy khí đốt đi qua đường ống Nord Stream 1 vì lý do kỹ thuật. Theo kế hoạch ban đầu, đường ống đi qua biển Baltic này sẽ hoạt động trở lại vào ngày thứ Bảy sau 3 ngày bảo trì.

Theo VnEconomy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top