Không chỉ được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, tài chính, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, nông nghiệp, y tế, giấy tờ số, thanh toán, Blockchain đã được triển khai trong định danh số cho hơn 2.000 giúp việc ở Việt Nam…

Blockchain đã được ứng dụng trong định danh số người giúp việc thông qua dự án thí điểm “ứng dụng công nghệ Blockchain trong giải quyết các vấn đề của người lao động” do Quỹ Châu Á phối hợp với công ty CP Việt Nam blockchain (VBC) và Công ty CP Phát triển dịch vụ vệ sinh nhà sạch HMC (jupviec.vn). Dự án nhằm xây dựng và thí điểm việc sử dụng nền tảng blockchain và giải pháp định danh số nhằm giảm thiểu những vi phạm liên quan đến quyền lao động đối với lao động giúp việc gia đình, đồng thời hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng công nghệ blockchain vì lợi ích xã hội ở Việt Nam.

Ông Michael DiGregorio, đại diện quốc gia Quỹ châu Á, thông tin rằng nền tảng blockchain đã được tích hợp thành công vào hệ thống hiện tại của JupViec.vn. Hệ thống này kết nối khoảng 2.000 lao động giúp việc gia đình với các khách hàng tiềm năng thông qua cổng web và ứng dụng di động.

Giải pháp này cho phép lao động giúp việc có một bản định danh số giúp ghi nhận các thông tin cá nhân, kinh nghiệm và kết quả làm việc, chứng chỉ đào tạo, hồ sơ tài chính và bảng lương. Các lao động giúp việc có toàn quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu của họ.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tìm việc, giúp tăng khả năng thương lượng về mức lương và các lợi ích khác liên quan đến hồ sơ làm việc và chứng chỉ chuyên môn của họ. Ông Michael DiGregorio hy vọng trong tương lai, người lao động giúp việc có thể sử dụng định danh số của mình để tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cần thiết như tài chính, y tế, giáo dục…

Tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu đối với lao động giúp việc gia đình đang ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đa số là phụ nữ, những người chưa được đào tạo kỹ năng bài bản, chủ yếu tìm việc qua các kênh không chính thống… Người giúp việc cũng chưa có cách thức hiệu quả để cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng hoặc khách hàng hồ sơ định danh, bao gồm chứng chỉ nghiệp vụ, lịch sử kinh nghiệm, và kết quả làm việc…

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng như gia tăng tác động của các chương trình, dự án về lao động ngày càng được quan tâm hơn, một trong số đó là Blockchain.

Ông Phan Hồng Minh, Nhà sáng lập, CEO JupViec.vn, cho biết Thông qua công nghệ Blockchain, các thông tin định danh số của người lao động giúp việc được tự động ghi nhận cùng với mốc thời gian và không thể xóa hoặc thay đổi mà không để lại dấu vết. Các dữ liệu này được lưu trữ bảo mật và đảm bảo tính riêng tư. Người lao động giúp việc có toàn quyền quản lý và truy xuất dữ liệu này thông qua nền tảng Blockchain.

Ngoài ra, khi được ghi nhận trên hệ thống Blockchain, các thông tin định danh số của người lao động giúp việc sẽ không bị mất và tồn tại vĩnh viễn trên nền tảng Blockchain, không thể bị hư hỏng hoặc thất lạc như các chứng chỉ giấy. Người lao động giúp việc có thể lựa chọn những thông tin định danh số mà họ muốn để cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng khác hoặc khách hàng tại bất kỳ thời điểm nào.

Đại diện JupViec.vn khẳng định, các thông tin định danh số của người lao động giúp việc được lưu trữ trên nền tảng Blockchain một cách minh bạch và đáng tin cậy, cho phép người lao động giúp việc và khách hàng có thể tự truy xuất và xác minh tính đúng đắn của thông tin tại bất kỳ thời điểm nào thông qua nền tảng Blockchain. Công nghệ Blockchain giúp minh bạch, rõ ràng thông tin người lao động trong thị trường giúp việc ở Việt Nam.

Theo VnEconomy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top