Hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần cơ chế đột phá thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp đón đầu công nghệ mới.

Theo ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), với tinh thần lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm của đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y – dược như: chọn tạo giống, chế biến sau thu hoạch, chế biến thủy sản, công nghiệp phụ trợ, sản xuất tế bào gốc… nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của DN; tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Thông qua chương trình, các DN đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh, trong đó một vài DN có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu của các DN tăng hơn 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước.

“Ví như, Tập đoàn Sao Mai đã chuyển giao, hoàn thiện công nghệ tinh luyện dầu, công nghệ enzym thu nhận bột đạm từ phụ phẩm cá tra thành các loại dầu thực phẩm, shortening, margarine, bột nêm, bột cá chất lượng cao. Nhờ đó, nâng tầm giá trị của cá tra lên khoảng 28%. Mỗi năm, DN tiêu thụ khoảng 1/3 lượng mỡ cá tra của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hay Công ty CP ô tô Trường Hải ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, điều hành nhằm hướng tới xây dựng nhà máy thông minh theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, giúp nhà máy sản xuất nhíp ôtô của Trường Hải nâng tỷ lệ tự động hóa sản xuất lên tới 70- 80%, sản phẩm xuất xưởng tăng thêm 15%/năm, chi phí sản xuất giảm 2%/sản phẩm” – ông Dũng cho hay.

Chia sẻ về hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới công nghệ cho DN, ông Dũng cho biết, hoạt động này được triển khai từ năm 2015 cho đến nay dựa trên các kết quả tự nghiên cứu đã đạt được của đơn vị và cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ đã xây dựng, hằng năm Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra khảo sát nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ ở các DN trên nhiều địa phương khác nhau (khoảng 50 DN/năm), đồng thời phối hợp với đội ngũ chuyên gia tổ chức tư vấn cho các DN (khoảng 15 DN/năm) về một số nội dung như cung cấp thông tin khoa học công nghệ, tư vấn cải tiến công nghệ, quy trình kỹ thuật, đổi mới công nghệ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Dũng cho rằng, hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý ĐMST tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Bộ KH&CN trong rất nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về ĐMST. Nhiều chính sách hỗ trợ ĐMST mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu “sandbox” chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi.

Hoạt động ĐMST và thực thi chính sách, hỗ trợ ĐMST còn khá phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và quy trình phản hồi từ khu vực tư một cách có hệ thống để thiết kế chính sách ĐMST sát thực hơn.

Do đó, để giải quyết được các vấn đề này, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về ĐMST, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, các hệ thống ĐMST vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó DN có vai trò là trung tâm của hệ thống ĐMST, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Đồng thời, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ĐMST là Bộ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về ĐMST.

Cùng với đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động ĐMST, hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 làm động lực phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động KHCN và ĐMST; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top