Trong bối cảnh tác động của Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số vươn mình và đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Có thể nói, dữ liệu số được xem là chìa khóa vàng, phát triển không ngừng và thôi thúc các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực xử lý, phân tích thành các dữ liệu có giá trị.

Có cần coi dữ liệu là tài sản?

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã có tiến bộ vượt bậc về khả năng xử lý các tập dữ liệu lớn, về điện toán nhận thức dựa trên các ngành khoa học về trí tuệ nhân tạo và xử lý tín hiệu. Được sự trợ giúp của công nghệ đám mây, chủ doanh nghiệp đã tận dụng được khả năng khai phá dữ liệu chưa từng có, phục vụ hiệu quả cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, và kể cả thỏa mãn được các nhu cầu học tập, y tế và giải trí cho cộng đồng.

Có thể nói, dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế số; đồng thời làm thay đổi hoàn toàn cách lưu chuyển thông tin, từ đó giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch, tác động đến tính minh bạch, hiệu quả, công bằng, cạnh tranh.

Theo ông Trương Bá Toàn, CEO Western Digital Việt Nam, trong giai đoạn năm 2022-2027 sẽ là thời kỳ bùng nổ của chuyển đổi số, do đó, doanh nghiệp cần chú trọng khai thác dữ liệu, tận dụng và triển khai tốt Big Data – Dữ liệu lớn, AI – Trí tuệ nhân tạo…

Tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng dữ liệu để đột phá trong kinh tế số”, Phó giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương đưa ra nhận định: “Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang giai đoạn đi sâu vào thực trạng và cần phải đẩy nhanh tốc độ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”.

Ngày nay, dữ liệu đã trở thành phương thức phát triển mới, giúp tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, góp phần quan trọng đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Dữ liệu là một loại tài nguyên đặc biệt, quy mô càng lớn thì giá trị càng cao, càng được chia sẻ và tái sử dụng càng tạo ra giá trị.

Bởi vậy, giá trị cốt lõi của nền kinh tế số là tạo ra một cơ chế khai thác giá trị, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tối ưu nhất. Do đó, trong tiến trình thực hiện tầm nhìn chiến lược về nền kinh tế số của các quốc gia, một trong những bước đầu tiên được triển khai là xây dựng và thực thi chiến lược về dữ liệu mở.

Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Hữu Hạnh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Học viện Bưu chính Viễn thông, chuyên gia Dữ liệu cho rằng, khi muốn thay đổi một công thức có tính chất sáng tạo hơn của một tổ chức cần có hai thứ, một là công nghệ mới, hai là phân tích dữ liệu. Dữ liệu rất đa dạng, tuy nhiên để chuyển nó thành có giá trị thì phải xem dữ liệu là tài sản.

Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu cũng là một bước giúp doanh nghiệp biến dữ liệu thành tài sản để khai thác và quản lý kinh doanh. Thông thường phân tích dữ liệu sẽ chia thành 3 giai đoạn. Đầu tiên là trình bày dữ liệu dưới dạng thống kê để có được bức tranh toàn cảnh về số liệu.

Nhờ có thống kê dữ liệu, chủ doanh nghiệp sẽ thấy được những cảnh báo, dự báo về hoạt động kinh doanh một cách chính xác; từ những phân tích, đánh giá để thiết lập được cách thức hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai. Tuy nhiên bài toán khó cho doanh nghiệp ngay lúc này là phải tìm được các phương thức để tối ưu hóa hoạt động sản xuất dựa trên dữ liệu và sử dụng các công nghệ số khác có ích trong kinh doanh.

Một trong những sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh là mở ra không gian trải nghiệm khách hàng không giới hạn. Tạo nên sự cộng hưởng, lan tỏa cảm xúc trong cộng đồng mạng, cộng đồng số, có được làn sóng bùng nổ.

Đó cũng là lý do vì sao trải nghiệm khách hàng được xem như một quá trình, là đích đến và cũng là một phương tiện để các doanh nghiệp khai thác sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số, trong hoạt động kinh doanh của mình, khi bắt tay vào thực hiện các mô hình kinh doanh mới.

Xây dựng dữ liệu gia tăng trải nghiệm khách hàng

So với việc cá nhân hóa tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ sử dụng các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu để cung cấp các thông điệp marketing. Việc bán hàng sẽ được cá nhân hóa đến từng phân khúc khách hàng khác nhau với nhiều chương trình khuyến mại hoặc sản phẩm dịch vụ ở mức độ “siêu cá nhân hóa” cho từng khách hàng.

Ông Tô Đình Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần tư vấn chuyển hóa doanh nghiệp DINNOX cho rằng: “Nếu doanh nghiệp không có nền tảng phân tích dữ liệu khách hàng thì việc tạo ra trải nghiệm khách hàng sẽ rất khó khăn. Không có nền tảng về dữ liệu, rất khó để phân tích hầu hết các nghiệp vụ trong hoạt động vận hành của doanh nghiệp”.

\"Cơ

Các ngành có tần suất ứng dụng công nghệ cao như ngân hàng – tài chính, viễn thông, bán lẻ có thể đạt được mức độ siêu cá nhân hóa bằng cách sử dụng kết hợp phân tích dự đoán, AI và học máy để theo dõi dữ liệu sử dụng thời gian thực của khách hàng cá nhân, hướng tới những nội dung thường tìm kiếm, thứ khách hàng thích xem, thói quen tiêu dùng chi tiêu và các địa điểm phát sinh chi tiêu của họ…

Nhờ có quá trình phân tích dữ liệu cảm biến tốc độ cao, dịch vụ mua hộ hàng Mỹ – Us Express đã đạt được khả năng hiểu biết sâu sắc (insight) của khách hàng, từ đó cũng tiết kiệm được khoảng 6 triệu USD mỗi năm. Hãng cà phê Starbucks cũng tận dụng việc sử dụng truyền thông mạng xã hội và phân tích tốc độ cao để phản hồi khách hàng. Nhờ việc thấu hiểu của người dùng sản phẩm qua cơ sở dữ liệu số, đến nay hãng cà phê này không còn xuất hiện những bình luận tiêu cực.

Để tạo ra được một hành trình trải nghiệm hoàn hảo và xuyên suốt, các doanh nghiệp phải bắt tay vào xây dựng bản đồ hành trình của khách hàng. Đây là một bản trình bày trực quan giúp kể lại câu chuyện về trải nghiệm của khách hàng với doanh nghiệp tại mọi kênh từ offline đến online: email, mạng xã hội, livechat, tổng đài hỗ trợ, cửa hàng đại diện…

Theo Lao động thủ đô

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top