VN1

Nhìn vào số vụ việc hàng hóa của doanh nghiệp Việt bị các nước nhập khẩu khởi kiện mà giật mình, bởi trung bình cứ mỗi tháng lại có 3 vụ kiện mới với hàng Việt xuất khẩu.

Nhiều quan ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu

Chưa bao giờ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều như thời điểm này. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có 39 vụ kiện mới với hàng hóa nước ta, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Mỹ là nước điều tra PVTM nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam với 8 vụ việc, bao gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh thuế.

Lũy kế hết năm 2020, đã có 201 vụ PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục ngàn doanh nghiệp xuất khẩu thuộc gần 60 ngành hàng.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), năm 2020, số lượng vụ việc tiến hành điều tra đã gấp đôi cả năm 2019 và dự kiến trong năm 2021 sẽ còn gia tăng.

Việc gia tăng số lượng các vụ kiện PVTM tỷ lệ thuận với số mặt hàng bị dính kiện. Nếu giai đoạn trước đó (từ năm 1994 – 2010) có 39 loại sản phẩm hàng hóa, chủ yếu tập trung vào mặt hàng nông – thủy sản và dệt may bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM, thì giai đoạn 2011 – 2020 đã tăng lên gần 60 loại sản phẩm, hàng hóa.

“Mới nhất, cuối tháng 4/2021, Philippines tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi măng Việt Nam, trong khi Mỹ nhận đơn từ doanh nghiệp trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong Việt Nam”, đại diện Cục PVTM thông tin.

Nhưng, đáng quan ngại hơn là xuất hiện tình trạng các vụ điều tra “kép” với hàng hóa Việt Nam tăng lên. Nếu trước đây chỉ có Mỹ thường điều tra “kép” đối với Việt Nam (điều tra cả hành vi trợ cấp và hành vi bán phá giá trong cùng một vụ việc), thì hiện nay, nhiều nước như Ấn Độ, Canada, Australia cũng chuyển sang điều tra kép đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.

Các cuộc điều tra này thường tạo ra gánh nặng lớn với cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan, do lượng dữ liệu, thông tin phải cung cấp tăng lên gấp đôi trong cùng một khoảng thời gian như trước đây.

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 176,6 tỷ USD năm 2016, lên 282,7 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình 11,9%/năm. Từ đây, hàng Việt chịu nhiều sóng gió hơn bởi sự bủa vây của kiện PVTM. Có những mặt hàng bị sụt giảm xuất khẩu nặng nề tại các thị trường bị khởi kiện.

Câu chuyện này đã xảy ra với ngành sợi. Số liệu của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho thấy, xuất khẩu xơ sợi trong năm 2020 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng, nhưng giảm 10,5% về giá trị so với năm 2019. Sở dĩ xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị giảm sâu là do giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 2.150 USD/tấn, giảm gần 12% so với năm 2019.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2020 là năm khó khăn của ngành xơ sợi. Ngoài việc phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch toàn cầu, ngành xơ sợi còn phải chịu ảnh hưởng do các vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Trong năm 2020, ngành xơ sợi đã bị Mỹ và Ấn Độ tiến hành điều tra chống bán phá giá, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tự vệ toàn cầu.

Tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, sản phẩm xơ sợi đang oằn mình chịu thuế PVTM, khiến kim ngạch sụt giảm mạnh và nguy cơ khó giữ được thị trường.

Mức sụt giảm do thuế PVTM thấy rõ nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đơn cử, năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xơ sợi thứ 2 sau Trung Quốc, với mức xuất khẩu đạt 138.000 tấn, trị giá 321 triệu USD, chiếm 19,2% về lượng và chiếm 14,9% trong kim ngạch. Nhưng sau khi nước này áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, thì thị trường này chỉ còn đứng thứ 6, chỉ đạt 79,2 triệu USD, chiếm 2,1% tổng xuất khẩu.

Tại Ấn Độ, tình hình cũng không khả quan hơn. Xuất khẩu xơ sợi sang thị trường này năm 2020 giảm từ vị trí thứ 5, xuống thứ 11 trong các thị trường xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam, chỉ còn 41,1 triệu USD, giảm tới 66,6% so với năm 2019.

“Thủ phạm” khiến xơ sợi xuất sang Ấn Độ sụt giảm trầm trọng là tác động tiêu cực từ vụ việc áp thuế chống bán phá giá của nước này từ cuối năm 2018 đối với sợi nylon Filament yarn nhập khẩu từ Việt Nam.

Cần phải nói thêm, trong năm 2020, Ấn Độ tiếp tục khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi polyester có xuất xứ từ Việt Nam. Cũng trong năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ lại điều tra tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm sợi từ polyester có mã HS 5503.20.00.

VCOSA nhận định, nếu 2 vụ việc mới nhất tại Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ được áp dụng, thì xuất khẩu xơ sợi sang các thị trường này sẽ càng khó khăn hơn.

Được biết, Bộ Công thương đang xây dựng, cập nhật và thông báo định kỳ cho các bộ/ngành liên quan danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp bởi các nước thường xuyên áp dụng các biện pháp PVTM, các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ.

Danh sách cập nhật quý III/2020 có 14 mặt hàng nguy cơ cao về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó có những mặt hàng như gỗ dán, tủ gỗ, ghế sofa, đá nhân tạo, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe, thép tiền chế và ghim đóng thùng.

Theo baodautu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top