Thanh toán số lên ngôi là dấu hiệu khả quan cho thương mại điện tử Đông Nam Á, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng tính an toàn, tiện lợi khi mua sắm.
Thanh toán số hiện là một trong ba nhánh chủ chốt cấu thành hệ sinh thái thương mại trực tuyến, cùng với các sàn thương mại điện tử và hệ thống logistics. Trong năm 2021, toàn Đông Nam Á đã và đang trải qua cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ về nhiều mặt nhờ sự thúc đẩy từ các trở ngại do dịch bệnh gây ra, hạn chế về mặt đi lại, tiếp xúc…
Chỉ trong giai đoạn 2017-2020, thống kê từ Techwire Asia cho thấy đối tượng dùng ví điện tử toàn cầu đã bùng nổ từ 500 triệu lên 2,8 tỷ người. Tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số mỗi quốc gia là khác nhau, song đều ghi nhận bứt tốc mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nổi bật trong có Đông Nam Á khi từng là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về thanh toán số. Trên thực tế, khu vực này đã được các chuyên gia fintech xem là một trong những cường quốc thanh toán kỹ thuật số của thế giới.
Theo một báo cáo mới của IDC được ủy quyền bởi nền tảng thanh toán toàn cầu 2C2P, toàn thị trường Đông Nam Á đang trải qua một cuộc chuyển đổi tài chính thúc đẩy bởi thanh toán kỹ thuật số. Đầu tiên, báo cáo ước tính rằng chi tiêu cho thương mại điện tử sẽ tăng 162%, đạt 179,8 tỷ USD vào năm 2025 trong toàn khu vực. Trong đó, thanh toán kỹ thuật số chiếm 91% giao dịch.
Các báo cáo gần đây của Google, Temasek Holdings và Bain & Company cũng chỉ ra rằng hiện có hơn 75% dân số ở 6 quốc gia Đông Nam Á lớn đã truy cập internet và phần lớn trong số họ đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần. Trong đó, có hơn 60 triệu người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số đầu tiên do ảnh hưởng Covid-19. Một phần ba số đó thậm chí chỉ mới mới làm quen với internet trong nửa đầu năm 2021.
Theo IDC, sự gia tăng này sẽ còn tiếp tục được thúc đẩy bởi sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, bán lẻ, khi ngày càng có nhiều tùy chọn thanh toán toàn diện hơn. Với sự bùng nổ của thương mại điện tử với 222 triệu người dùng vào năm 2020, IDC ước tính ngành này dự kiến chạm mức khoảng 411 triệu người dùng vào năm 2025, nhờ sự xuất hiện của các phương thức thanh toán mới.
Các phương thức thanh toán mới như ví điện tử và mô hình \”mua trước trả sau\” (buy now, pay later) đã dần khiến người dùng toàn cầu dịch chuyển hành vi giao dịch từ hình thức truyền thống, tiền mặt sang không tiền mặt. Trong đó, \”mua trước trả sau\” chiếm 1% tổng thanh toán thương mại điện tử năm 2020. Con số này ước tính sẽ tăng lên 5% vào năm 2025 và tăng gấp 9,7 lần giá trị chi tiêu.
Mặt khác, IDC cũng nhấn mạnh về sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Đông Nam Á nhờ thị trường thương mại điện tử ngày càng dễ tiếp cận hơn. Báo cáo của họ ước tính sẽ có 188,6 triệu người dùng mới vào năm 2025. Các thị trường lớn và tiềm năng cho lĩnh vực thanh toán thương mại điện tử tại khu vực này gồm có Indonesia (83 tỷ USD), Việt Nam (29 tỷ USD) và Thái Lan (24 tỷ USD).
Ngoài ra, với sự gia nhập của hàng trăm triệu người tiêu dùng thương mại điện tử mới, họ cũng đòi hỏi nhiều loại hình dịch vụ thanh toán hơn. Philippines, Việt Nam và Thái Lan cũng được dự báo sẽ có những thay đổi đáng chú ý trong 5 tới, khi người dân tại đây ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt và chuyển sang thanh toán số.
Cuối báo cáo, IDC lưu ý rằng các tùy chọn thanh toán số tại khu vực này được ưa chuộng hơn vì có thể áp dụng dễ dàng trên khắp Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2020-2025, ví điện tử và \”mua trước trả sau\” tại đây dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt là 30% và 58%. Tổ chức này cũng tuyên bố Indonesia sẽ dẫn đầu toàn khu vực khi chào đón hơn 100 triệu người dùng ví điện tử mới vào năm 2025.
Theo VnExpress