thi truong mat bang cho thue tai tphcm 4

Số lượng DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng cao trong 5 tháng đầu năm nay. Làn sóng Covid-19 thứ 4 đang tiếp tục đẩy DN vào những khó khăn mới. Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc giảm thuế, phí thì cần phải có những biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn.

Doanh nghiệp, tiểu thương chồng chất khó khăn
Anh Nguyễn Cao Hùng, lái xe của Công ty Du lịch Đồng Lợi (Hà Nội) cho biết: Từ năm 2020 đến nay đã có 4 đợt dịch Covid-19, thu nhập hàng tháng của lái xe trong công ty theo đó giảm sâu từ 30 triệu đồng/tháng xuống còn 6 – 7 triệu đồng/tháng hiện nay. \”Cuộc sống gia đình bị đảo lộn vì cả nhà đều trông chờ vào thu nhập của tôi”- anh Hùng chia sẻ.
Không chỉ những lái xe như anh Hùng bị ảnh hưởng, mà khoảng 30 lao động khác trong công ty cũng gặp khó khăn, với mức lương giảm từ 10 – 12 triệu đồng/ tháng, xuống còn 2 – 3 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn phải đi làm.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng chia sẻ, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả xe khách của DN này gần như dừng hoạt động do không có khách. DN có 100 xe, nhưng chỉ chạy 2 đến 3 xe để duy trì tuyến. “Mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội – Lào Cai DN chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành khoảng 7,5 triệu đồng” – ông Bằng chia sẻ.
Với ngành du lịch, một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho thấy, dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa đã bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn, hủy tour du lịch lên đến 80 – 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè.
Trong khi đó, với các tiểu thương bán buôn, bán lẻ, dịch vụ… cũng không khả thi hơn. Khác với cảnh đông đúc thường thấy, chợ Đồng Xuân – Hà Nội ngày cuối tuần khá vắng vẻ, thưa thớt. Hàng loạt gian hàng tại tầng 2 và 3 phải tạm thời đóng cửa trong thời gian này vì không có khách. Một số tiểu thương khác chỉ bán hàng nửa ngày (nghỉ bán từ 12 giờ trưa). Nhiều nơi khác đang giăng biển chuyển nhượng.
Anh Mai Văn Bảo, chủ tiệm cà phê trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội), lo lắng chưa biết khi nào mới được mở cửa trở lại, trong khi sắp đến lịch đóng 6 tháng tiền thuê mặt bằng nhưng không biết lấy nguồn đâu để nộp.
Theo đánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), du lịch, bán lẻ, vận chuyển hành khách, đồ uống,… vẫn là những ngành bị ảnh hưởng nhiều hiện nay.
Cần gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế đang thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2021 cho DN và hộ, cá nhân kinh doanh. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn cho các đối tượng được hưởng chính sách này là 115.000 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc VietSense Travel Nguyễn Văn Tài kiến nghị, Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí để các DN du lịch có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hoặc tiếp cận vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc Đường Trọng Khang cho hay, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ thứ nhất, cần thiết phải cải thiện điều kiện thụ hưởng. Chẳng hạn như với DN đảm bảo 100% duy trì được việc làm cho người lao động thì được hỗ trợ như hạ lãi suất ngân hàng ở mức tối đa, sa thải 50% lao động thì sẽ được hưởng một nửa ưu đãi.
Hoặc với chính sách giảm 30% tiền thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 cho những DN có doanh thu không quá 200 tỷ đồng cũng không mấy hiệu quả do những DN được giảm 30% tiền thuế năm 2020 là DN có lãi. Trong khi đó, DN thua lỗ, phải tạm ngưng hoạt động lại không được hỗ trợ, không được cứu kịp thời.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ và cá nhân kinh doanh, chính sách cần phải mạnh mẽ hơn. Cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn như giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế chứ không chỉ dừng lại ở gia hạn; kéo dài thời gian hỗ trợ người lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm… Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu chứ không chỉ gia hạn tiền thuế GTGT ở khâu nội địa để DN có thêm nguồn lực tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số DN ở một số ngành công nghiệp trọng yếu cho hay dù đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu. Điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm. Song họ đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm. Nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn.
Các cơ quan chức năng xem xét giảm hoặc miễn phí qua các trạm thu phí BOT cho các xe chở nông sản trong năm nay. Chi phí này hiện rất lớn, làm đội giá thành nông sản.Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN mà Chính phủ đang xem xét, chúng tôi đề nghị các địa phương có thêm các kịch bản cụ thể đảm bảo duy trì các chuỗi cung ứng, sản xuất, đặc biệt là các chuỗi gắn với các mặt hàng thiết yếu hay mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ đạo.Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy

Theo kinhtedothi.vn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top