bt87

Việt Nam có thuận lợi về mặt vị trí địa lý khi có đường bờ biển dài đến 3.260 km dọc chiều dài đất nước. Diện tích biển của Việt Nam chiếm 29% diện tích biển Đông. Cứ khoảng 1 km2  đất liền thì có gần 4 km2 vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế, tỷ lệ này gấp khoảng 1,6 lần so với mức trung bình của thế giới. Ước tính 50% dân số sinh sống tại 28 tỉnh, thành ven biển. Đây là những điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế biển (phát triển cảng biển thương mại, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí…).

Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam đã được nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao. Michael Porter, nhà kinh tế học và chuyên gia đi đầu về chiến lược cạnh tranh, từ năm 2008 đã chỉ ra rằng với lợi thế về đường bờ biển dài, Việt Nam nên phát triển cơ sở hạ tầng các cảng biển thương mại để từ đó đẩy mạnh kết nối giao thương trong khu vực. 

Nhận rõ được tầm quan trọng và tiềm năng phát triển, trong những năm gần đây, Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển, đầu tư và tạo nhiều điều kiện để các địa phương tận dụng phát triển nền kinh tế biển. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành 45 cảng biển, bao gồm 3 cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế, 11 cảng đầu mối khu vực và 17 cảng tổng hợp địa phương. Tại nhiều thành phố ven biển đã được đầu tư xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước như Nha Trang, Phú Quốc, Đã Nẵng. Ngành đánh bắt và chế biến hải sản hàng năm có đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, hàng thủy sản nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất, đóng góp 3,2% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát triển trong thời gian tới, mới đây vào tháng 05/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Trong Đề án có đề cập chi tiết về việc phát triển các ngành kinh tế biển cùng với những điểm chính như:

  • Du lịch và dịch vụ biển

– Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo. Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn;

– Phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác;

– Xây dựng và triển khai kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về phát triển và đầu tư quảng bá hình ảnh Việt Nam và du lịch biển Việt Nam ra thế giới, tập trung quảng bá đối với các thị trường trọng điểm về du lịch.

  • Kinh tế hàng hải

– Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo… Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông;

– Phát triển đội tàu vận tải biển hiện đại, cơ cấu hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng;

– Thực hiện hiệp định hàng hải với các nước; ký kết các hiệp định, các nghị định thư và các thỏa thuận liên quan đến hàng hải của ASEAN, quốc tế và các thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn hàng hải với các nước.

  • Thăm dò, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác

– Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí và khoáng sản; nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

– Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; đảm bảo việc khai thác, chế biến các tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

  • Nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững

– Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu thụ;

– Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản.

  • Phát triển các ngành công nghiệp ven biển

– Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn;

– Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ;

– Xây dựng và phát triển các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. 

 

Nội dung chi tiết Quyết định số 647/2020/QĐ-TTg xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Quyet-dinh-647-QD-TTg-2020-phe-duyet-De-an-hop-tac-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-Viet-Nam-2030-442946.aspx

 

Thông tin tham khảo xem tại:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/giao-su-michael-porter-cai-cach-o-viet-nam-can-chuyen-sang-cap-do-moi-68137.html

https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/03/09/thuc-day-lien-ket-nganh-vung-trong-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien/

https://congthuong.vn/chinh-phu-ban-hanh-ke-hoach-tong-the-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-133590.html

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top
Scroll to Top